Chọn mua lò nướng phù hợp với nhu cầu

Lò nướng ngày càng trở thành vật dụng quen thuộc ở các căn bếp hiện nay. Với giá cả giao động từ hàng trăm tới hàng triệu đồng cùng những mẫu mã, tính năng phong phú, người tiêu dùng có thể lựa chọn được loại lò phù hợp với gia đình mình. Trong bài viết này, DienmayXANH.com sẽ tư vấn bạn cách chọn lò nướng hiệu quả và hợp lý với nhu cầu.

Phân loại

Có 2 loại lò nướng chính là lò nướng thủy tinh và lò nướng thùng

Lò nướng thuỷ tinh

Lò nướng thuỷ tinh Sanaky 188 15 lít
Lò nướng thuỷ tinh Sanaky 188 15 lít

Lò nướng thủy tinh là loại lò nướng được làm bằng thủy tinh trong suốt, nướng chín thức ăn bằng phương pháp nung nhiệt phát ra từ bóng đèn Halogen. Lò nướng này còn được gọi là nồi nướng đa năng. Khi cần nướng thực phẩm, bạn cho vào khay sẵn có trong lò để nướng.

Nhiệt từ bóng Halogen ở phía nắp lò sẽ tỏa xuống thực phẩm đang được nướng ở dưới, vậy nên hầu như lò nướng thủy tinh đều có quạt đối lưu giúp tỏa nhiệt đều, không bị tình trạng cháy phía trên mà phía dưới vẫn chưa chín.

Với lò nướng thủy tinh, bạn có thể làm pizza, làm các món nướng như gà, vịt, bò, cừu, lợn, hải sản, rau củ các loại, xúc xích, hambuger…. hấp bánh, rã đông, hun khói và chế biến được nhiều món ăn ngon khác. Đặc biệt, nhờ luồng không khí nóng được luân chuyển đều, lò nướng thủy tinh còn có thể bảo vệ sức khỏe bằng cách loại bỏ lượng mỡ thừa trong thức ăn trong quá trình đun nấu mà vẫn giữ được hương vị thơm ngon của thực phẩm.

Xem thêm Các chức năng của lò nướng thủy tinh

Ưu điểm

– Hình thức đẹp mắt, thủy tinh trong suốt có thể nhìn thấy được tình trạng thực phẩm đang được nướng chín trong nồi.

– An toàn và sạch sẽ khi nướng, không bị dầu mỡ bắn ra ngoài.

– Thức ăn giữ được nhiều dinh dưỡng do không bị quá nhiệt, gây khét.

– Tiết kiệm hơn 20% điện năng tiêu thụ so với các loại lò khác.

– Có chức năng hâm nóng rã đông như lò vi ba (bật lò ở nhiệt độ thấp), tuy nhiên vẫn có thể để đĩa bằng kim loại hoặc thủy tinh vào lò.

– Dễ dàng di chuyển. Nhiều lò nướng thủy tinh còn có tay cầm rất tiện lợi.

Nhược điểm

– Khó vệ sinh lò nướng sau khi sử dụng, nhất là khi dầu mỡ bắn trực tiếp vào quạt đối lưu.

– Nồi thủy tinh có thể bị vỡ khi có va chạm hoặc sốc nhiệt.

– Không phù hợp để nướng bánh vì chỉ có thanh nhiệt trên.

Dung tích

Lò nướng thủy tinh thường có dung tích nhỏ, tuy nhiên vẫn nướng được số lượng nhiều do tiết kiệm tối đa không gian khi nướng, có thể nướng được cá, rau củ hay gà vịt nguyên con.

Giá cả

Lò nướng thủy tinh giá khá mềm, chỉ tầm khoảng 550.000đ cho tới 1 triệu đồng/chiếc cho một số thương hiệu như lò nướng thủy tinh Pensonic, Sanaky, Sunhouse…

Thương hiệu và xuất xứ

Phổ biến trên thị trường có các loại lò nướng thủy tinh Sanaky thương hiệu Việt Nam, hay Pensonic thương hiệu Malaysia, đảm bảo chất lượng và thời gian bảo hành 12 tháng.

Lò nướng thùng

Lò nướng Sanaky VH359S
Lò nướng Sanaky VH359S

Là lò nướng dạng hộp chứ không phải dạng nồi hình trụ như lò nướng thủy tinh. Thường thì lò nướng thùng có xiên quay, giá đỡ, và khay hứng mỡ. Với lò nướng thùng, bạn có thể nướng tất tần tật từ các thực phẩm rau củ quả, thịt cá cho tới các loại bánh. Nếu nhu cầu nướng của bạn đa dạng, ngoài thức ăn còn cần nướng bánh thì nên chọn lò nướng thùng. Bởi nồi nướng bị hạn chế khi nướng các loại bánh có kích thước lớn.

Các loại lò nướng thùng

Lò nướng thùng có dạng lò nướng âm và lò nướng để bàn.

Lò nướng âm

Lò nướng âm
Lò nướng âm

Lò nướng âm là loại lò gắn trực tiếp vào tủ bếp, hoặc tường, sử dụng gas hoặc điện để đốt nóng. Khi mua lò, bạn phải khoét tường hoặc chọn ngăn tủ phù hợp với kích thước của bếp. Sau khi gắn vào khoang tủ, người ta chỉ nhìn thấy được mặt ngoài của lò, rất đẹp mắt và không tốn diện tích. Trong lò thường có thêm đèn chiếu sáng rất tiện lợi.

Lò nướng âm có nhiệt độ cao và duy trì ổn định, thức ăn chín đều và ngon, nướng trong thời gian ngắn. Kích thước lò lớn, phù hợp với gia đình có nhu cầu nướng nhiều và thường xuyên. Tuy nhiên, giá thành lò nướng âm cao nhất trong các loại lò.

Lò nướng để bàn

Lò nướng âm
Lò nướng Pensonic AE-350N 35 lít

Khác với lò nướng âm phải đặt trong tủ bếp hoặc khoét tường, thì lò nướng để bàn có thể đặt ở mọi vị trí trong bếp. Vỏ lò được làm bằng hợp kim nhôm, inox hoặc thép sơn tỉnh điện. Khi lau chùi, bạn không cần phải lau toàn bộ lò mà chỉ cần mang khay, xiên và các dụng cụ đi kèm ra để làm sạch, rồi dùng khăn mềm lau bên trong lò, rất tiện dụng và không lo bị rơi vỡ như lò nướng thủy tinh.

Lò nướng để bàn có nhiệt độ không ổn định bằng lò nướng âm, tuy nhiên được nhiều người nội trợ ưa chuộng bởi giá thành hợp lý và kích thước nhỏ gọn, tiện di chuyển.

Ưu điểm

– Nướng được cả rau quả, thịt cá và nhiều loại bánh (Xem thêm Các chức năng của lò nướng thùng).

– Dễ dàng vệ sinh sau khi sử dụng.

– Dung tích lớn, nướng được số lượng nhiều.

– Nhiều chế độ nướng để lựa chọn.

Nhược điểm

– Khó di chuyển trong bếp.

– Chiếm nhiều diện tích.

– Giá cao hơn lò nướng thủy tinh.

– Khó quan sát thực phẩm trong lò khi đang nướng, trừ lò nướng có đèn như Lò nướng Sanaky VH509S.

Dung tích

Lò nướng thùng có dung tích lớn hơn lò nướng thủy tinh, do không gian bên trong lò khi nướng cũng cần rộng rãi hơn, để đảm bảo sức nóng đi được tới mọi ngóc ngách của thực phẩm.

+ Dung tích nhỏ: Thích hợp nướng thịt số lượng ít, các loại bánh nhỏ phù hợp cho gia đình nhỏ, ít người, gian bếp nhỏ.

+ Dung tích phổ thông Thích hợp nướng thịt, gà vịt nguyên con, các loại bánh cỡ trung… phù hợp cho gia đình vừa, gian bếp vừa phải.

+ Dung tích lớn Thích hợp cho gian bếp rộng rãi, gia đình lớn, quán ăn… dùng nướng thịt, gà vịt nguyên con, các loại bánh tráng miệng…

Khi mua lò nướng, bạn cũng cần chú ý dung tích phù hợp với căn bếp. Nếu bếp có diện tích không lớn thì nên chọn lò cỡ dung tích phổ thông hoặc dung tích nhỏ.

Giá cả

Lò nướng thùng thường có giá cao hơn lò nướng thủy tinh, đặc biệt là các loại lò nướng âm, giá khoảng 15 triệu đồng – 20 triệu đồng, có nhiều tính năng nướng và nhiệt độ ổn định.

Các loại lò nướng thùng để bàn giá dao động trong khoảng 900.000đ đến 2,5 triệu đồng, tùy thuộc vào tính năng và thương hiệu.

Thương hiệu và xuất xứ

Những lò nướng âm thường có xuất xứ từ châu Âu với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Malloca, Electrolux, Fagor, Bosch, Nardi và Teka.

Các thương hiệu phổ biến của lò nướng để bàn bao gồm Sanaky, Pensonic, Sanyo… thường là hàng nhập khẩu từ một nước gia công thứ 3 như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, sản xuất theo tiêu chuẩn công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, Mỹ hoặc châu Âu.

Tính năng

Công suất

Công suất càng cao thì thức ăn càng nhanh chín. Tuy nhiên, thời gian nướng còn bị phụ thuộc vào dung tích.

+ Lò 50L: Công suất khoảng 2000W

+ Lò 25L-35L: Công suất khoảng 1500W – 1800W

+ Lò dưới 25L: Công suất khoảng 1300-1400W

Chế độ lửa

Lò nướng có các chế độ lửa như: Lửa trên, lửa dưới, cả lửa trên và lửa dưới, quạt đối lưu.

Sử dụng lửa trên hoặc lửa dưới không thích hợp cho việc nướng bánh bởi chỉ nướng chín được một bề mặt. Khi nướng sườn, cá, rau quả, bạn cần phải lật thực phẩm mới chín đều được.

Sử dụng cả lửa trên và lửa dưới phù hợp để nướng mọi loại thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên, nếu nướng quá nhiều, thực phẩm để sát nhau thì có một số vị trí không nhận được sức nóng hợp lý, làm món ăn có chổ vàng chổ không, do vậy bạn phải đảo chiều để chín được toàn bộ.

Lò có quạt đối lưu sẽ giải quyết được các rắc rối trên. Quạt đối lưu có chức năng thổi hơi nóng đi toàn bộ mọi ngóc ngách trong lò, giúp cho thực phẩm chín đều và giòn.

Hầu như những loại lò có chế độ lửa trên, lửa dưới và quạt đối lưu sẽ có núm vặn điều khiển lựa chọn các chế độ lửa riêng biệt cho từng món ăn.

Xem thêm 6 điều cần biết về lò nướng để nấu ăn ngon hơn

Quạt đối lưu

Quạt đối lưu chính là quạt gắn trực tiếp vào mặt trong của thành lò, với cơ chế đảo chiều liên tục, có tác dụng đẩy luồng không khí nóng đi khắp mọi vị trí. Đối với những lò có quạt đối lưu, nhiệt độ phân tán cả trên dưới đều như nhau nên xiên quay không thực sự cần thiết.

Tuy nhiên, nhiều loại lò đối lưu vẫn có xiên quay. Những lò đó thường có bộ phận điều khiển cho phép bạn lựa chọn nướng không có quạt đối lưu, nướng có quạt đối lưu nhưng không quay xiên, nướng kết hợp cả xiên quay lẫn quạt đối lưu, để phù hợp với nhiều loại thức ăn và khẩu vị khác nhau.

Xem thêm

Các loại lò nướng có quạt đối lưu

Cách sử dụng quạt đối lưu của lò nướng

Quạt đối lưu của lò nướng Pensonic PEO-4200 42 lít
Quạt đối lưu của lò nướng Pensonic PEO-4200 42 lít

Xiên quay

Sử dụng xiên quay của lò nướng Sanaky VH 368N – 36L
Sử dụng xiên quay của lò nướng Sanaky VH 368N – 36L

Hầu như lò nướng thùng nào cũng có xiên thực phẩm. Xiên quay tự động quay tròn khi nướng, phù hợp với việc nướng các loại thịt có kích thước lớn như gà, vịt. Đối với những lò chỉ có lửa trên và lửa dưới, nên chọn xiên có chức năng quay để thức ăn được chín đều các mặt.

Xem thêm

Cách sử dụng tính năng xiên quay có bật quạt đối lưu của lò nướng

Cách sử dụng tính năng xiên quay không bật quạt đối lưu của lò nướng

Nhiệt độ

Lò nướng thông thường có mức nhiệt từ 100 độ đến 250 độ C. Một số lò thì nhiệt độ cao nhất chỉ là 230 độ C, như các dòng lò nướng của Sanyo. Dưới đây là bảng nhiệt độ và thời gian nướng cho một số món thông thường.

Loại thực phẩm

Nhiệt độ (độ C)

Thời gian (phút)

Bánh mì

190

9 – 12

Bánh ngọt

190

7 – 10

Bánh nướng

160

30 – 40

Thịt gà, vịt, lợn

220 – 250

35 – 40

Sườn nướng

250

10 – 15

Điều chỉnh nhiệt độ

Điều chỉnh nhiệt độ
Điều chỉnh nhiệt độ

Các loại lò nướng có điều chỉnh nhiệt độ cho phép bạn nướng được nhiều loại thực phẩm với khẩu vị khác nhau. Ví dụ khi cần nướng thịt bò hơi tái, bạn có thể chỉnh về nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ tiêu chuẩn cài đặt sẵn cho chế độ nướng thịt bò. Các loại lò nướng có thể điều chỉnh nhiệt độ từ khoảng 100 đến 250 độ C sẽ đáp ứng được nhu cầu nướng đủ các loại rau, thịt, bánh.

Hẹn giờ nướng

Tính năng hẹn giờ nướng từ 0-60 phút, sau khi nướng xong, lò sẽ tự động tắt khi đến thời gian đã định, giúp tiết kiệm thời gian và công sức khi không phải trông chừng lò.

Tính năng đặc biệt

Cửa kính 2 lớp cách nhiệt: Lò có cửa kính 2 lớp cách nhiệt sẽ đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đặc biệt là gia đình có trẻ em. Ngoài ra cửa cách nhiệt càng tốt thì càng tránh thất thoát nhiệt, hiệu quả nướng sẽ cao hơn.

Cửa kính 2 lớp của Lò nướng Aqua Sanyo TO-R8074
Cửa kính 2 lớp của Lò nướng Aqua Sanyo TO-R8074

Thành lò có chức năng chống dính: Những loại thành lò phủ lớp men chống dính sẽ dễ dàng vệ sinh khi bị dầu mỡ của đồ nướng bám vào.

Chất liệu vỏ lò: Vỏ bằng Inox bền đẹp, tuy nhiên dễ bám bẩn. Những loại vỏ có phủ sơn tĩnh điện sẽ ít in dấu vân tay và dễ lau chùi hơn.

Đèn chiếu sáng: Lò có đèn chiếu sáng giúp người sử dụng có thể nướng vào ban đêm, hoặc trong điều kiện thiếu sáng một cách dễ dàng, có thể quan sát được tình trạng nướng thức ăn trong lò.

Xem thêm Các loại lò nướng có đèn chiếu sáng

Khoang lò có đèn của lò Sanaky VH509S
Khoang lò có đèn của lò Sanaky VH509S

DienmayXANH.com