Mỗi lần nhận hóa đơn tiền điện hàng tháng, bạn đều muốn “tá hỏa”, vì sao mấy chiếc bếp điện, lò vi sóng, quạt, nồi cơm điện, tivi, máy giặt… lại tốn nhiều điện năng đến thế? Có lẽ bạn chưa biết cách tiết kiệm điện khi dùng đồ gia dụng chăng? Nếu đúng là vậy, bạn hãy đọc và áp dụng ngay các chiêu dùng điện tiết kiệm dưới đây nhé.
Bếp điện
Chọn đúng kích cỡ và chất liệu nồi, chảo dùng để nấu trên bếp điện từ, bếp hồng ngoại. Khi bạn dùng đúng loại nồi cho bếp thì quá trình nấu nướng sẽ nhanh chóng và tiết kiệm điện hơn.
Dùng nồi nấu có đáy phẳng, tròn, vừa với vòng lửa trên mặt bếp, sẽ giúp nhiệt tập trung làm nóng đáy nồi nhanh hơn.
Không nấu ăn với nhiệt độ cao thời gian dài, bạn nên biết khi bếp phải vận hành với công suất lớn, nhiệt độ cao lâu chẳng những điện hao phí nhiều mà các thiết bị bên trong của bếp cũng bị ảnh hưởng, độ bền của bếp sẽ giảm. Vì thế, nếu cần nấu ăn với nhiệt độ cao bạn chỉ chọn thời gian trong vài phút, sau đó hạ nhiệt độ xuống ở mức trung bình sẽ nấu ăn ngon mà không hao phí nhiều điện năng.
Trước khi món ăn chín khoảng 5 phút, bạn hãy tắt bếp, mặc dù không còn điện vào bếp nhưng nhiệt lượng vẫn tỏa ra và làm chín thức ăn như bạn mong muốn lại giúp tiết kiệm điện hiệu quả.
Lò vi sóng
Khi sắm lò vi sóng cho gia đình bạn nên chọn sản phẩm theo dung tích, công suất, chức năng phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình. Tránh chọn những sản phẩm có mức công suất, dung tích quá lớn hao phí nhiều điện năng mà không đem lại hiệu quả sử dụng tối ưu.
Không thường xuyên mở cửa lò vi sóng, khi đóng cửa lò nên chú ý đóng kín, không để nhiệt lượng tỏa ra bên ngoài, đèn chiếu sáng hoạt động liên tục.
Đảm bảo thực phẩm cho vào lò luôn ướt hoặc có nước trong lò để tránh làm hư tổn ống magnetron. Bọc thêm lớp nilong bên ngoài thực phẩm để thời gian làm nóng nhanh hơn.
Khi không sử dụng lò vi sóng nên rút dây điện nguồn khỏi ổ cắm vì lò không có nút tắt nguồn, nếu lò vẫn cắm điện thì lò vẫn hoạt động, vẫn tiêu thụ năng lượng.
Cách tiết kiệm điện cho lò vi sóng
Quạt
Khi thời tiết khô nóng, bạn không nên mở cửa sổ, cửa nhà để tránh luồng gió nóng từ bên ngoài lọt vào nhà làm tăng nhiệt độ khiến quạt phải hoạt động nhiều hơn để làm mát.
Sử dụng quạt ở tốc độ vừa phải, không chọn mức quá cao làm quạt hoạt động hết công suất, hao phí điện năng nhiều mà tác dụng làm mát cũng không lớn.
Với quạt phun sương, hạn chế sử dụng nhiều chức năng cùng 1 lúc như khi bạn vừa bật chức năng phun sương vừa bật đèn, chức năng đuổi muỗi, ion, tạo mùi thơm… Sử dụng như vậy chẳng những làm điện năng tiêu thụ tăng mà còn giảm độ bền cho sản phẩm. Chỉ nên sử dụng cùng lúc những chức năng thực sự cần thiết.
Khi không dùng quạt, không có người trong phòng bạn nên tắt quạt để tiết kiệm điện năng tối đa.
Nồi cơm điện
Giúp tiết kiệm đến 30% điện năng tiêu thụ nếu bạn ngâm gạo trước khi nấu 30 phút và dùng nước ấm để nấu cơm.
Khi cho nước vào nồi cơm điện, bạn nên để gạo ngập nước, trải đều không để chỗ có ít gạo chỗ nhiều gạo, thời gian nấu sẽ rút ngắn hơn mà cơm cũng mềm và ngon hơn.
Có thể đặt 1 chiếc khăn hay miếng vải phủ lên nắp nồi, giúp nhiệt lượng không bị tỏa ra bên ngoài, cơm nấu nhanh chín.
Thường xuyên làm sạch mâm nhiệt, nắp nồi giúp nhiệt lượng truyền dẫn tốt hơn, ít hao phí điện năng.
Sau khi cơm đã chín, chuyển sang chế độ giữ ấm, bạn nên rút dây điện nguồn ra để tiết kiệm năng lượng.
Máy giặt
Giảm điện năng khi dùng máy giặt, bạn nên chọn nhiệt độ thấp, hay nước lạnh khi giặt với những loại quần áo không quá bẩn. Các máy giặt ứng dụng công nghệ hiện đại có thể làm sạch quần áo bạn dễ dàng ngay với nước lạnh nên không nhất thiết bạn phải chọn nhiệt độ cao khi giặt, rất hao điện.
Cũng với quần áo không bẩn quá mức, bạn nên chọn chế độ giặt vải cotton, đây là chế độ giặt tốn ít nước và điện nhất.
Bạn nên phân loại quần áo trước khi giặt, không giặt chung đồ dày với đồ mỏng, quần áo dễ ra màu với các quần áo thông thường. Không giặt máy với đồ bằng lụa, gấm, đồ bằng len nên lộn trái trước khi cho vào máy giặt, sẽ giúp bảo vệ chất liệu quần áo.
Giặt đúng khối lượng, không nên giặt lượng quần áo quá ít hay quá nhiều, cho lượng quần áo đủ làm đầy máy giặt sẽ giúp thiết bị hoạt động tốt và tiết kiệm điện hơn.
Tủ lạnh
Khi lắp đặt, không để tủ lạnh sát vào tường, hệ thống làm lạnh ở phía sau sản phẩm không có không khí luồng vào để làm mát nên về lâu dài tủ lạnh sẽ nhanh xuống cấp, độ bền giảm và tiêu thụ điện năng cao. Bạn cũng tránh để tủ lạnh tiếp xúc với các nguồn nhiệt cao như bếp gas, bếp điện, lò vi sóng, ánh sáng mặt trời, thiết bị cũng sẽ hao phí nhiều điện khi vận hành.
Không mở cửa tủ lạnh thường xuyên, luồng hơi lạnh thoát ra ngoài nhiều sẽ làm hao phí điện năng nhiều hơn. Không cho thực phẩm còn nóng vào tủ lạnh, sẽ khiến sản phẩm vận hành với công suất cao để làm mát, hãy để thực phẩm ở bên ngoài cho đến khi nguội thì cho vào tủ lạnh.
Không để tủ lạnh quá đầy hoặc quá trống, với tủ lạnh trống không sẽ làm giảm khả năng làm mát còn khi có quá nhiều thực phẩm bên trong sẽ ngăn cản sự lưu thông của các luồng khí lạnh, khiến tủ lạnh hoạt động nhiều hơn, tiêu hao nhiều điện năng hơn.
Chỉ cần một chút lưu ý khi sử dụng các đồ gia dụng là bạn đã giúp gia đình mình tiết kiệm được một khoảng kha khá hằng tháng. Thế nên, hãy bắt đầu thực hiện các chiêu này ngay bạn nhé. Bạn còn biết những mẹo dùng đồ gia dụng tiết kiệm điện khác? Gửi chia sẻ với chúng tôi vào ô bình luận bên dưới nào!
Siêu thị Điện máy XANH