Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại ổ cứng SSD dành cho laptop cùng với đó là các chuẩn tốc độ khác nhau khiến người dùng gặp khó khăn khi chọn lựa. Hôm nay Điện máy XANH sẽ giới thiệu với các bạn một số chuẩn tốc độ thông dụng của ổ cứng SSD cho laptop qua bài viết sau đây.
HDD hiện nay đa số được chạy trên cổng giao tiếp SATA 3 còn SSD trên thị trường được phân loại thành khá nhiều dòng sản phẩm, dựa trên tốc độ, công nghệ chip nhớ và dung lượng. Hiện nay có 2 phương thức giao tiếp, được phân thành 2 loại chính là SATA và PCI Express (PCI-E).
1/ Tốc độ của chuẩn SATA
SSD và HDD sử dụng giao tiếp SATA là sản phẩm thông dụng nhất, vì tốc độ xử lý khá cao và giá thành hợp lý. Sản phẩm thường có kích thước mỏng 2,5 inch và có thể tương thích với đa số các dòng máy tính xách tay và Notebook.
Kết nối SATA chia ra làm 3 loại tốc độ SATA 1, SATA 2 và SATA 3. Hiện nay, giao tiếp SATA 3 được sử dụng rộng rãi nhất với tốc độ đọc và ghi đạt đến mức 6GB/s, tương ứng khoảng 550MB/s, nhanh hơn giao tiếp SATA 2 gấp 3 lần.
Các ổ cứng SSD sử dụng giao tiếp SATA sẽ bị giới hạn ở mức tốc độ nêu trên nhưng các tác vụ sử dụng máy tính vẫn trở nên mượt mà, bởi nó đáp ứng được yêu cầu xuất và ghi dữ liệu của đa số hệ điều hành trên laptop hiện nay.
Một vấn đề mà các ổ cứng SATA gặp phải là nó luôn yêu cầu thêm một cổng dùng cấp nguồn, dù cho điện năng nó yêu cầu là vô cùng nhỏ, điều này gây ra một số phiền toái cho nhà sản xuất lẫn người dùng vì quá trình đi dây bên trong case khá phức tạp.
2/ Tốc độ của PCI-Express.
PCI-Express cũng đang dần trở nên phổ biến với rất nhiều các ưu điểm tốc độ cao hơn nhiều so với chuẩn SATA. Cụ thể PCI-E 16x có thể mở rộng băng thông bộ nhớ lên tới 16Gbps, tương ứng khoảng 2GB/s, gấp 4 lần so với SSD SATA.
Phiên bản mới nhất là PCI-Express 3.0 với tốc độ 8GT/s được ra mắt 4 năm sau 2.0 và đã tồn tại được 6 năm cho đến nay. Thế hệ PCI-E 4.0 sẽ sớm được ra mắt với tốc độ trung bình gấp đôi 3.0 ở mức 16GT/s và giúp người dùng không còn phải phụ thuộc vào cầu SLI hay CrossFire nữa.
Khắc phục nhược điểm nêu trên của SATA, các ổ cứng sử dụng giao tiếp PCI-E sẽ không cần tới một dây cấp nguồn, nguồn điện được lấy từ chính khe cắm PCI-E được tích hợp trong laptop. Tuy nhiên, 1 điểm khiến PCI-E chưa được nhiều người dùng yêu thích là giá thành của các sản phẩm loại này thường khá cao và thường khó thay thế hơn so với SSD SATA.
Hi vọng sau bài viết này bạn đã có thêm thông tin về các chuẩn tốc độ thông dụng của ổ cứng trên laptop rồi, mọi ý kiến đóng góp xin vui lòng để lại lời nhắn ở phần bình luận phía dưới để Điện máy XANH hỗ trợ bạn tốt nhất nhé!