CPU có vai trò như bộ não trong hệ thống máy tính. Hãy cùng Điện máy XANH tìm hiểu điểm khác biệt giữa core i3, i5, i7 và i9 như thế nào, và nên mua loại chip nào phù hợp với nhu cầu sử dụng.
1Cách kiểm tra máy tính của bạn đang chạy core i mấy?
Để kiểm tra máy tính đang chạy core i mấy, bạn chỉ cần vào Start -> mở “Control Panel”-> chọn “System and Security” -> ”System”.
Lúc này, bạn sẽ có cái nhìn tổng quát thông tin về CPU, RAM và hệ điều hành được cài trong máy tính của bạn. Để biết được máy tính đang chạy core i mấy, bạn nhìn vào phần System (hệ thống), dòng Processor (bộ xử lý), bạn sẽ biết được đầy đủ thông tin CPU Intel (tốc độ xung nhịp CPU được đo bằng Ghz) hiện tại máy của mình.
Hãng Intel thường đặt tên CPU Core i như sau:
- Tên bộ vi xử lý = Thương hiệu (Intel Core) + loại chip (i3,i5…) + thế hệ CPU + yếu tố hậu tố (ký tự đặc điểm sản phẩm)
Ví dụ, thông tin CPU Intel của máy laptop như trong hình:
– Phần đầu tiên trong dãy thông tin là “Intel Core”, cho thấy rằng CPU này được sản xuất bởi Intel và được sử dụng bộ xử lý Core của chính hãng họ. Core là dòng sản phẩm lớn nhất và phổ biến nhất của Intel, nên hầu như các máy tính bàn nguyên bộ và dòng laptop hiện nay đều nhìn thấy thông tin này.
Lưu ý: Hãng Intel cũng có cung cấp các bộ vi xử lý khác như Celeron, Pentium và Xeon.
– Phần thông tin kế tiếp là “i5”, đề cập đến kiểu thiết kế của vi kiến trúc bên trong CPU. Trong trường hợp này cho biết máy tính này đang chạy core i5.
Thông số kỹ thuật của các lớp i3, i5, i7 hoặc i9 của CPU sẽ khác nhau về: số lượng lõi, tốc độ xung nhịp, kích thước bộ đệm, hỗ trợ các tính năng công nghệ (như Turbo Boost 2.0) và siêu phân luồng.
Thông thường, bộ xử lý Core i5 và i7 thuộc lõi tứ, trong khi bộ xử lý Core i3 cấp thấp hơn thuộc loại lõi kép.
– Phần thông tin tiếp theo là “M”, viết tắt của cụm từ Mobile microprocessor, đó là vi xử lý M dành cho laptop, điện thoại.
- Chữ “M” viết tắt Mobile microprocessor, vi xử lý thường dành cho thiết bị di động, laptop
- Chữ “E” viết tắt Embedded, hay gọi là chip nhúng
- Đi kèm thường có hậu tố là “U” (Ultra-low power) hoặc “L” (Low power) chỉ mức độ tiêu thụ năng lượng.
– Phần thông tin cuối cùng là “460” chính là dấu gen và mã Sku. Cụ thể, số “4” cho thấy CPU thế hệ thứ 4, phần số “60” chính là mã Sku, giống như số seri.
Như vậy, với ví dụ minh họa trên, thông tin hiển thị “Intel® Core ™ i5 CPU M460 @ 2.53 GHz, đươc hiểu là máy tính sử dụng Bộ xử lý Core của hãng Intel với chip core i5 thế hệ thứ 4, sử dụng chip M (bộ vi xử lý M) có xung nhịp cao và mạnh mẽ.
2Sự khác biệt giữa Core i3, i5, i7 và i9
Core càng lớn thì càng tốt, vì core lớn thì sẽ mang lõi nhiều hơn cho khả năng xử lý nhanh hơn. Nói một cách khác, một bộ xử lý với một lõi chỉ có thể xử lý một luồng thông tin duy nhất tại một thời điểm, trong khi một bộ xử lý với hai lõi thì lại có thể xử lý gấp đôi. Tương tự cho một bộ xử lý lõi 4, lõi 5,… thì có tốc độ xử lý gấp 2, gấp 5,…
Xét về mặt lý thuyết, nhiều lõi sẽ mang lại khả năng xử lý nhiều luồng thông tin trong cùng một thời điểm. Do đó, PC của bạn sẽ xử lý dữ liệu và thực hiện các lệnh nhanh và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, cần chú ý thêm một thông số cũng rất quan trọng khi so sánh giữa các core i với nhau, đó là tốc độ xung nhịp. Mỗi lõi trên CPU đều có tốc độ xung nhịp và được đo bằng gigahertz. Đây là thông số để biết được tốc độ CPU của thiết bị bạn đang chạy ra sao, nên tốc độ xung nhịp càng nhanh, thì CPU càng xử lý và thực hiện nhiều lệnh trong một chu kỳ.
Điểm khác biệt giữa core i3, i5, i7 và i9
Dòng Core i của hãng Intel được xem là dòng CPU mạnh nhất cho đến thời điểm hiện nay. Core i3, core i5 và core i7 đều được ra đời vào năm 2009. Trong khi, core i9 thì mới được giới thiệu vào năm 2017, và đây được xem là bộ vi xử lý siêu cao cấp, có số lượng luồng và lõi cực cao cho đến thời điểm hiện tại.
Dưới đây là sự khác biệt giữa các core i với nhau:
Chip | Số nhân | Số luồng | Xung nhịp | Turbo Boost | Hyper-Theading | Cache |
Core i3 | 2 | 4 | 2.3 – 2.7 GHz | Không | Có | 3 MB |
Core i5 | 2 – 4 | 4 | 1.8 – 3.1 GHz | Có | Chỉ trên chip lõi kép | 3 – 6 MB |
Core i7 | 2 – 4 | 8 | 2.2 – 3.3 GHz | Có | Có | 4 – 8 MB |
Core i9 | 10 – 18 | 20 – 36 | 4.2 – 4.3 GHz | Có | Có | 13.75 – 24/75 MB |
Nếu bạn muốn so sánh core i3 và core i5, hoặc so sánh core i5 và core i7, hay giữa các core i với nhau, thì cần hiểu thêm ý nghĩa về các thông số như sau:
Số nhân chip là gì?
Nhân là một phần trên bộ xử lý CPU thực hiện công việc xử lý, nên chíp nào mà có nhân càng nhiều thì chip đó càng mạnh mẽ.
Số luồng là gì?
Thông thường, một lõi (nhân) sẽ chỉ có một luồng để xử lý thông tin. Vì thế số luồng càng nhiều thì khả năng CPU xử lý thông tin càng nhiều và nhanh hơn.
Tốc độ xung nhịp là gì?
Là thước đo của số chu kỳ quay của một CPU có thể thực hiện mỗi giây. Tốc độ xung nhịp càng cao, thì tốc độ xử lý dữ liệu càng nhanh nhưng tiêu thụ pin và tỏa nhiệt nhiều hơn.
Turbo Boost là gì?
Công nghệ này cho phép bộ xử lý tự động tăng tốc độ xung nhịp khi có nhu cầu, cụ thể là thay đổi xung nhịp để phù hợp với yêu cầu tính toán.
Tốc độ xung nhịp tăng do Turbo Boost tác động phụ thuộc vào: số lượng lõi hoạt động, năng lượng điện tiêu thụ và nhiệt độ của bộ xử lý.
Hyper-Theading là gì?
Hyper-Threading sẽ tách 1 nhân vật lí (lõi) thành 2 nhân Logic, và sự chênh lệch về hiệu năng này thường chỉ dừng ở mức 20%.
Ví dụ, CPU là lõi kép, thì sẽ có hai luồng để xử lý thông tin tại cùng một thời điểm. Tuy nhiên, nếu sử dụng công nghệ Hyper-Threading thì cho phép thêm một lõi duy nhất tăng gấp đôi số lõi để phục vụ nhiều luồng (xử lý thông tin) trong cùng một thời điểm. Cụ thể, core i5 có thể có 4 lõi vật lý, cho siêu phân luồng có hiệu quả gấp đôi, giúp cải thiện hiệu suất rất lớn.
Cache là gì?
Cache là bộ nhớ đệm giữa CPU và RAM. Chỉ số Cache càng cao thì CPU càng ít lấy dữ liệu từ RAM, dẫn đến việc làm tăng tốc độ xử lí.
Ví dụ, bộ xử lý Core i3 và Core i5 thế hệ thứ bảy dòng chip U và Y (là loại chip tiêu thụ điện năng thấp) có bộ nhớ cache 3MB hoặc 4 MB. Trong khi đó, Core i7 cùng dòng thì có 4 MB bộ nhớ cache.
3Vậy chip nào mạnh nhất, nên chọn chip nào?
Sau khi tìm hiểu về sự khác biệt giữa các loại core i với nhau, bạn sẽ dễ dàng chọn loại chip nào phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình, chẳng hạn:
Intel Core i3
Thường đáp ứng nhu cầu sử dụng cơ bản cho người dùng và đây cũng là loại chip có giá dễ chịu nhất. Loại chip này phù hợp cho việc duyệt web, sử dụng mạng xã hội, sử dụng các phần mềm Microsoft Office, thực hiện cuộc gọi video…., và mạng xã hội.
Intel Core i5
Đáp ứng cho người sử dụng ở mức độ có nhu cầu trung bình, vì hiệu suất ổn và giá thành tầm trung. Loại chip này thuộc dòng G hoặc Q (hiệu năng cao) thích hợp cho những ai sử dụng laptop để chơi game, thiết kế đồ họa.
Intel Core i7
Loại chip này phù hợp cho người dùng máy tính có nhu cầu cao, thực hiện đa nhiệm vụ với vài cửa sổ mở cùng một lúc, mà không cần phải dành thời gian để đợi chờ ứng dụng chạy quá lâu.
Intel Core i9
Đây là bộ vi xử lý cao cấp tính đến thời điểm này, vì sở hữu nhiều lõi (chip core i9 của máy tính bàn có thể chứa 10 – 18 lõi), mang lại tốc độ xử lý cực nhanh. Với những ai có nhu cầu sử dụng chuyên môn cao, như game thủ hardcore với mục đích phát trực tuyến, hay biên tập viên video phải thực hiện cùng lúc nhiều tác vụ, thì chọn core i9 là lý tưởng.
Với những chia sẻ phía trên, hy vọng bạn sẽ hiểu rõ hơn về những điểm khác biệt khi so sánh CPU laptop các core i3, i5, i7 và i9 với nhau, và chọn được loại chip phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình.
Xem thêm:
- Laptop Intel core i7- hội tụ công nghệ thoả sức đam mê
- Dòng chip cao cấp Intel Core i7 thế hệ thứ 8 có gì mới?