Lò vi sóng truyền nhiệt thẳng vào thức ăn, do vậy tiết kiệm điện và rút ngắn thời gian nấu nướng đang rất được các chị em nội trợ ưa chuộng. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, sử dụng lò vi sóng với một số thực phẩm hay vật dụng không phù hợp sẽ làm cháy nổ, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Bài viết này của DienmayXANH.com sẽ liệt kê những nguyên vật liệu không bao giờ được cho vào lò vi sóng.
Vật dụng bằng kim loại
Bát có hoa văn kim loại không nên để vào lò vi sóng
Sóng vi ba của lò vi sóng không xuyên qua được kim loại mà bị phản xạ lại vào thành lò, làm nóng xung quanh, dẫn tới cháy nổ, hư hỏng lò và ảnh hưởng nghiêm trọng tới những người đứng xung quanh. Các vật dụng đĩa, tô, chén bằng kim loại hoặc có hoa văn kim loại đều không được để vào lò vi sóng.
Rau củ có lớp vỏ dày
Cà rốt để vào lò rất nguy hiểm
Các loại thực phẩm có lớp vỏ dày như khoai tây, cà rốt, táo, nho… sẽ nổ văng khi nấu chín bằng lò vi sóng bởi sự giản nỡ bên trong làm nứt vỏ ngoài. Đặc biệt là những loại củ chứa magie và selen như cà rốt khi nấu trong lò sẽ cháy thành các ngọn lửa xanh, đỏ, vàng, gây nổ lò. Cần gọt vỏ hoặc đâm các lỗ nhỏ lên thân củ trước khi cho vào lò vi sóng.
Trứng nguyên vỏ
Không để trứng nguyên vỏ vào lò vi sóng
Trứng sống còn nguyên vỏ nếu cho vào lò vi sóng sẽ làm văng tung tóe, vừa bẩn vừa có nguy cơ cháy nổ lò. Chỉ nên đập trứng ra, cho vào chén, đâm vỡ lòng đỏ rồi để vào lò để nấu chín chứ không bao giờ được để trứng còn vỏ vào lò, trừ khi sử dụng chức năng nướng của lò vi sóng có nướng.
Ớt
Ớt cho vào lò vi sóng có thể gây hỏng mắt
Ớt khi bỏ trong lò vi sóng có thể làm những người đứng xung quanh bị cay, mờ, hỏng mắt do chất tạo cay capsaixin bị bốc hơi và thoát ra ngoài.
Hải sản có vỏ cứng
Không để cua vào lò vi sóng
Những hải sản có vỏ cứng như cua, sò, ốc… khi để vào lò vi sóng sẽ làm mất hết chất dinh dưỡng và vị ngon của thực phẩm, đặc biệt sẽ giải phóng các phân tử tạo mùi khó chịu giống như mùi cao su.
Vật dụng chịu nhiệt kém
Những lớp lót, vật đựng bằng giấy hoặc các vật chịu nhiệt kém sẽ cháy khi để vào lò vi sóng làm hư hỏng lò do giấy hấp thụ sóng vi ba, ngoài ra có thể tạo ra một số chất độc. Với thực phẩm có bọc giấy xung quanh cần tháo hết toàn bộ để đảm bảo an toàn.
Giấy bạc
Giấy bạc có thể làm cháy nổ lò
Khi bọc giấy bạc vào thực phẩm để trong lò vi sóng, sóng vi ba không xuyên qua được, tạo nên các tia lửa điện dễ làm lò bị cháy.
Thực phẩm chứa nhiều nitric
Những thực phẩm chứa nhiều nitric như thịt lợn ướp, thịt hun khói không được để vào lò vi sóng vì nitric sẽ biến thành nitrosamin, chất này có thể gây ung thư, ảnh hưởng tới sức khỏe cả gia đình.
Nước sốt
Nước sốt sẽ văng tung tóe khi để vào lò vi sóng
Khi cho nước sốt nấu trong lò vi sóng, sự giãn nở các phân tử nước nhưng lại không tạo bọt sẽ khiến nước sốt bắn tung tóe làm bẩn lò. Khi lấy ra ngoài còn có thể bắn trực tiếp vào người gây bỏng. Các loại thức ăn cần nước sốt như thịt gà, cá cũng nên hạn chế hâm nóng bằng lò vi sóng, nếu có hâm, phải bọc dĩa đồ ăn lại bằng màng bọc thực phẩm (loại sử dụng được trong lò vi sóng) mới được cho vào lò.