Những tín đồ của bánh mì hẳn đã biết đến bánh mì hoa cúc, tức bánh mì Harrys Brioche truyền thống của Pháp. Bạn có thể ứng dụng công thức làm bánh Harrys Brioche sau đây để tạo nên loại bánh mì hoa cúc béo và thơm mùi bơ, song nhẹ nhàng và đỡ ngán hơn phiên bản gốc.
Nguyên liệu làm bánh mì hoa cúc:
Phần bánh mì hoa cúc
- 50 gr nước ấm.
- 70 gr đường.
- 7 gr men nở làm bánh mì.
- 3 quả trứng gà.
- 100 ml kem tươi.
- 320 gr bột làm bánh mì.
- 30 gr bột bánh bông lan (có thể thay bằng 25 gr bột mì đa dụng + 5 gr bột bắp).
- 15 gr sữa bột.
- 3 gr muối.
- 1 muỗng canh nước hoa cam hay 1 muỗng cà phê vani.
- 100 gr bơ lạnh.
Hỗn hợp phết mặt bánh mì hoa cúc:
- 1 quả trứng gà.
- 2 muỗng canh sữa tươi.
- Hạnh nhân lát, mè, hoặc hạt dưa.
Dụng cụ làm bánh mì hoa cúc
– Máy đánh trứng, lò nướng, khuôn, màng bọc thực phẩm,…
Cách làm bánh mì hoa cúc
Bước 1: Đầu tiên phải kích hoạt men bánh bằng cách hòa tan 10g đường và 7g men nở làm bánh mì trong 50g nước ấm. Để yên 15 phút cho men được kích hoạt.
Bước 2: Tiếp theo, đánh bông 2 quả trứng gà với 60g đường, chờ đến khi trứng nhạt màu và bông như kem thì cho 100ml kem tươi vào trứng và trộn đều.
Bước 3:
– Đổi que đánh trứng sang que trộn bột, bật máy ở tốc độ thấp nhất, cho 320g bột làm bánh mì và 30g bột bánh bông lan vào tô, nếu không dùng bột bánh gato có thể thay bằng 25g bột mì đa dụng và 5g bột bắp.
– Cho tiếp 15g sữa bột, 3g muối, và phần men đã kích hoạt ở trên vào. Rưới 1 muỗng canh nước hoa cam hoặc 1 muỗng cà phê vani vào bột.
– Để máy nhồi bột trong 15 phút rồi tắt máy, để bột nghỉ trong 10 phút rồi tiết tục nhồi bột thêm 10 phút nữa. Cắt nhỏ 100g bơ lạnh rồi cho vào bột, nhồi thêm 10 phút rồi tắt máy. Tổng thời gian nhồi khoảng 35 phút.
Bước 4:
– Kiểm tra bột đã đạt chưa bằng cách lấy ra ít bột, nếu có thể kéo bột thành màng mỏng và khó rách là được.
– Trải ít bột áo vào tô rồi cho khối bột vào, ủ bột trong 40 – 60 phút cho đến khi bột nở gấp đôi hoặc gần gấp đôi thì đấm xẹp khối bột.
– Bọc kín tô bột rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh, ủ thêm tối thiểu 5 tiếng hoặc qua đêm.
Bước 5:
– Phết bơ vào khuôn bánh mì để chống dính khuôn.Trải bột áo cho khỏi dính rồi lấy bột đã ủ xong ra, nhồi đều rồi chia bột thành 6 phần, nặn thành sợi dài.
– Thắt bím bột để tạo hình cho bánh. Đặt bánh vào khuôn rồi ủ bánh trong 3 – 4 tiếng hoặc hơn cho bột nở gấp 3.
Bước 6: Đánh tan 1 quả trứng với 2 muỗng canh sữa tươi rồi phết hỗn hợp trứng sữa lên mặt bánh. Sau đó rắc hạnh nhân lát, hạt mè, hạt dưa lên mặt bánh.
Bước 7:
– Đổ 100ml nước vào khay đen của lò nướng để nước làm bánh ẩm, mềm, không khô, khi nướng ½ thời gian thì nước trong khay bay hơi hết là vừa. Làm nóng lò trước 10 phút ở 220 độ C, bật 2 lửa và bật quạt đối lưu nếu có.
– Cho khuôn bánh lên vỉ nướng đặt trên khay đen, vặn thời gian nướng bánh trong 20 đến 30 phút. Khi quan sát thấy bánh hơi vàng mặt thì vặn nhiệt độ xuống 180 độ C. Chờ đến khi bánh vàng mặt, chín đều thì lấy bánh ra. Bánh mới nướng xong có lớp vỏ giòn, chờ nguội bớt sẽ mềm lại và có thể dùng ngay.
Thành phẩm
Lời khuyên dành cho bạn:
– Không thay nước bằng sữa do nước tạo nên độ dai và mềm cho ruột bánh mì hoa cúc.
– Nên sử dụng men bánh mì ngọt để bánh mì hoa cúc dậy mùi bơ sữa hơn, nếu dùng men bánh mì lạt sẽ nghe thoang thoảng mùi men rượu làm bánh kém hấp dẫn.
– Đánh bông trứng gà sẽ làm cho bánh mì hoa cúc mềm và bông xốp hơn.
– Tùy theo khẩu vị mà bạn có thể thêm sữa bột hay không. Nếu không dùng sữa bột thì bánh sẽ có vị giống Brioche cổ điển hơn. Dùng sữa bột sẽ cho ra vị bánh lai giữa Brioche và bánh mì bơ sữa.
– Giai đoạn ủ chậm (ủ trong tủ lạnh 5 tiếng hoặc qua đêm) là giai đoạn quan trọng không thể thiếu trong lúc làm bánh mì hoa cúc, ủ chậm sẽ làm bánh mì thơm, mềm xốp và tạo hương vị riêng.
– Bột bánh lạnh sẽ dễ tạo hình hơn, bánh mì hoa cúc không bị tách bơ trong lúc thắt bím.
Xem thêm:
- Cách làm bánh Hokkaido Cupcake – Bánh bông lan kem sữa
- Cách làm bánh Papparoti – Mexican buns – coffee buns
Bánh mì hoa cúc làm xong rất xốp và mềm, thớ bánh dai, xé được thành từng lớp mỏng, vỏ bánh không dày, bánh thơm mùi bơ và béo ngậy nhưng không ngấy, hợp khẩu vị người Việt. Bánh mì có thể để đến 3 ngày mà vẫn mềm chứ không bị khô. Chúc các bạn thực hiện thành công nhé!