Thường xuyên sử dụng bếp gas để nấu ăn nhưng nhiều người nội trợ lại không có sự quan tâm đúng mực đối với việc sử dụng, vệ sinh bếp nên dễ dẫn đến các hậu quả, nguy hiểm khôn lường.
Để bảo vệ gia đình mình tốt hơn, tăng độ bền cho bếp, bạn hãy xem các sai lầm thường gặp khi sử dụng bếp gas ở đây và khắc phục ngay nếu bạn đang mắc phải.
1Không khóa van bình gas sau khi nấu ăn
Một trong những thói quen nguy hiểm mà các gia đình hay mắc phải nhất khi sử dụng bếp gas là “nhớ” khóa van bếp nhưng không “nhớ” khóa van bình gas.
Khi người dùng không khóa van bình gas, khí gas sẽ còn lưu lại bên trong đường ống dẫn, nếu trong điều kiện bình thường sẽ không có gì nguy hiểm xảy ra.
Nhưng nếu đường ống chẳng may bị chuột cắn, khí gas bị rò rỉ ra ngoài và tiếp xúc với tia lửa điện sẽ gây ra hiện tượng cháy nổ, nguy hiểm cho tính mạng của gia đình bạn.
Vì thế để đảm bảo an toàn, sau khi nấu ăn xong, người dùng cần khóa van bình gas trước tiên rồi chờ cho lửa trên lò tắt hẳn thì mới khóa van bếp.
Làm như vậy, trong đường ống dẫn gas sẽ không còn khí gas, nếu chuột có cắn đường ống thì cũng không có khí gas bị rò rỉ, người dùng sẽ không bị nguy hiểm gì.
2Sử dụng nồi, chảo có kích cỡ không phù hợp
Khi nấu ăn với bếp gas mini, người nội trợ không lưu ý trong việc lựa chọn nồi, chảo. Việc sử dụng các loại nồi, chảo có kích cỡ quá lớn và để làm nóng chúng nhanh cần điều chỉnh ngọn lửa ở mức lớn nhất.
Khi đó vòng lửa từ bếp sẽ tràn rộng ra các phía, tỏa sâu xuống bình gas ở phía bên dưới, làm nóng bình gas, tăng nguy cơ cháy nổ, không đảm bảo an toàn cho người nội trợ.
Còn đối với các loại bếp gas khác nếu chọn kích cỡ nồi, chảo quá lớn thì vòng lửa cũng sẽ trào rộng ra, dù không tiếp xúc trực tiếp với bình gas nhưng nó cũng tiếp xúc với các bộ phận của bếp gas, làm giảm độ bền của bếp.
Trường hợp nồi, chảo kích cỡ quá nhỏ thì ngọn lửa có xu hướng cháy cao lên thành nồi, chảo làm hỏng chất liệu của các vật dụng này.
Do đó, để bảo vệ chính mình khi nấu ăn với bếp gas, tăng độ bền cho bếp và vật dụng nấu, người nội trợ cần chọn kích cỡ nồi, chảo vừa vặn với bếp.
3Không quan tâm chất liệu kệ để bếp gas
Kệ để bếp gas tuyệt đối không được làm hay trang trí bằng các chất liệu dễ cháy vì lửa từ bếp gas trong quá trình đun nấu rất dễ tiếp xúc với các chất liệu này và gây cháy nổ, gây nguy hiểm nếu bạn không kịp thời dập tắt lửa.
Ngoài ra, theo khuyến cáo của các chuyên gia, bếp gas nên đặt cách trần nhà từ 1 – 1.5 m, cách tường, đồ dùng khác khoảng 15 cm, cách các thiết bị điện tử ít nhất 1.5 m và không nên đặt các vật dụng dễ cháy xung quanh bếp.
4Không kiểm tra định kỳ bếp gas và các thiết bị có liên quan
Người Việt ít có thói quen kiểm tra chất lượng đồ dùng, không quan tâm đồ dùng, thiết bị của mình đã dùng bao lâu, chỉ cần nó còn dùng được thì vẫn sẽ dùng tiếp cho đến khi nào bị hỏng, không thể sử dụng tiếp thì mới thay thế cái khác.
Cách suy nghĩ này làm tăng các nguy hiểm cho người dùng khi sử dụng bếp gas.
Vì bếp gas vận hành là nhờ vào việc sử dụng nhiên liệu là khí gas, khí gas nếu bị rò rỉ ra ngoài môi trường, tích tụ thành một lượng vừa đủ gặp tia lửa điện sẽ có thể gây cháy nổ bất cứ lúc nào.
Để bảo vệ chính mình và gia đình, bạn nên định kỳ kiểm tra bếp gas và các thiết bị có liên quan như các đường ống dẫn gas, bình gas, van… 2 tháng /1 lần.
Để kiểm tra, lấy một ít nước xà phòng chà lên bình gas, ống dẫn, van nếu thấy có bọt khí nổi lên thì có thể vị trí đó đã bị lủng, rò rỉ, bạn cần thay mới ngay.
Nếu bếp gas sử dụng quá lâu, hư hỏng về bề mặt, đầu đốt mòn, núm vặn hỏng, đánh lửa hoạt động kém thì bạn nên mua mới vì những bếp như vậy sử dụng đã không còn an toàn và nấu ăn cũng không hiệu quả, tốn nhiều gas.
Đường ống dẫn gas thì dù không bị hỏng, bạn cũng nên thay thế sau 3 – 5 năm sử dụng để đảm bảo hoạt động ống dẫn tốt.
5Không vệ sinh bếp gas thường xuyên
Bếp gas bị bám bẩn, cặn thức ăn quá lâu từ bề mặt đến các bộ phận bên trong đều làm khiến tuổi thọ của bếp giảm và quá trình nấu nướng của bạn cũng trở nên khó khăn, kéo dài thời gian, hao phí nhiều nhiên liệu.
Bạn nên tập thói quen làm sạch bụi bẩn, cặn thức ăn ngay sau khi nấu nướng xong, sau một thời gian sử dụng thì vệ sinh đầu đốt, tránh để vết bẩn bám sâu, làm bít các khe trên đầu đốt.
Núm vặn cũng cần được tháo ra chùi rửa sạch sẽ để vặn xoay êm ái, nhẹ nhàng hơn.
Điểm qua các sai lầm thường gặp khi sử dụng bếp gas trong bài viết này, bạn có đang mắc sai lầm nào không? Nếu không có, chắc hẳn bạn rất giàu kinh nghiệm trong việc sử dụng bếp gas, hãy tiết lộ cho mọi người các mẹo dùng bếp gas tốt mà bạn biết nhé.
Siêu thị Điện máy XANH