Bếp gas là vật dụng quen thuộc trong hầu hết các gian bếp gia đình Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết và lưu tâm tuyệt đối để sử dụng bếp gas an toàn. Vậy có những lỗi thường gặp nào khi sử dụng bếp gas người dùng nên tránh để giữ an toàn cho cá nhân và gia đình?
1Lắp đặt bếp gas ở vị trí không hợp lý
Một số người dùng tùy ý lựa chọn vị trí sử dụng bếp gas miễn sao cho tiện. Việc này đôi khi tạo những nguy hiểm rình rập khi vị trí lắp đặt không hợp lý như nguy cơ cháy nổ nếu đặt gần các vật dễ bắt lửa, hay khi rò rỉ gas khó phát hiện…
– Vị trí đặt bếp gas cần chọn nơi thoáng khí để hơi nóng và khí gas có thể tản ra khi nấu nướng, không chỉ cho không gian sử dụng thông thoáng dễ chịu hơn mà khi gặp sự cố rò rỉ gas sẽ dễ phát hiện để xử lý kịp thời.
– Lưu ý cần tránh vị trí gió lùa dễ gây tắt bếp khi dùng.
– Đặt bếp cần cách trần nhà tối thiểu 1 m và cách tường 15 cm để tạo khoảng thông thoáng cho bếp khi sử dụng.
– Bàn bếp cần phẳng và vừa tầm sử dụng, nên dùng bàn inox hoặc đá, tránh chất liệu gỗ.
Xem thêm: Cách lắp đặt bếp gas an toàn
2Để bình gas ở nơi quá kín
Hầu hết các bình gas người dùng sử dụng đều có van khóa an toàn, nhưng không ai chắc chắn được hết những bất trắc xảy ra khi sử dụng bếp gas như khả năng rò rỉ gas do van an toàn hỏng, do dây dẫn bị rạn nứt ở một vị trí nào đó, hay do điểm nối giữa dây dẫn và bình gas không được xiết chặt…
Với bất cứ nguyên nhân nào dẫn đến gas bị rò rỉ, nếu bình gas đặt nơi thông thoáng thì khí gas sẽ nhanh chóng phát tán vào không khí và cho người dùng phát hiện nhanh nhất để có thời gian và phương án xử lý.
Trường hợp đặt bình gas trong hộc tủ kín, khí gas khó thoát ra ngoài khi rò rỉ, dẫn đến khó phát hiện và nguy cơ cháy nổ cao khi bật bếp hay bật/tắt các thiết bị điện gần đó.
Ghi nhớ, không chỉ bếp mà cả bình gas cũng cần một vị trí thông thoáng để sử dụng. Dây dẫn giữa bình gas và bếp cũng không nên để quá dài tránh bị nứt gãy hay xì gas giữa chừng.
3Sử dụng bếp gần các thiết bị điện, các vật dễ bắt lửa
“Phòng còn hơn chữa” là câu nói quen thuộc trong cuộc sống thường nhật con người. Cũng như thế, với các vật dễ bắt lửa như vải/giấy/gỗ/chất cồn, tốt nhất nên để xa nguồn tiếp lửa như bếp gas (tối thiểu 15 cm) để đảm bảo không gây hỏa hoạn, cháy nổ khi sử dụng bếp.
Và không chỉ các vật dễ bắt lửa, ngay cả các thiết bị điện như lò vi sóng, lò nướng, bình thủy điện… khi sử dụng gần bếp gas cũng không an toàn. Chúng không chỉ chịu hư tổn do lượng nhiệt từ bếp gas tỏa ra mà còn nguy cơ chập cháy khi có khí gas bị rò rỉ.
Hãy đảm bảo bếp gas nhà bạn không đặt cạnh hay quá cần những “mồi lửa” gây nguy hiểm cho gia đình khi sử dụng.
4Không tắt bếp đúng quy trình
Một thói quen xấu khi sử dụng bếp gas là không khóa van bình gas sau khi dùng.
Xác nhận bình gas có van khóa an toàn, và nhiều bếp gas có ngắt gas tự động nhưng rủi ro bị rò rỉ gas như dây dẫn bị chuột cắn, dây bị rạn nứt, van an toàn bị hỏng… là không lường trước được, đặc biệt nguy hiểm khi gia chủ vắng nhà.
Thế nên tốt nhất hãy làm đúng quy trình: sau khi nấu xong luôn khóa van bình gas, đợi lửa trên bếp tắt hẳn sau đó tắt bếp. Hành động nhỏ tạo tính an toàn lớn cho gia đình và mọi người xung quanh.
Xem thêm: Cách tắt bếp gas an toàn
5Không vệ sinh bếp thường xuyên
Việc vệ sinh không chỉ giúp cho bếp gas mới lâu mà nó còn góp phần vào tính an toàn khi sử dụng.
Vệ sinh mặt bếp, kiềng bếp, khung bếp… đảm bảo chúng sạch bụi bẩn và dầu mỡ, hạn chế tối đa han gỉ là cách phòng tránh các điểm rò rỉ gas khi sử dụng bếp lâu ngày.
Không vệ sinh bếp thường xuyên không chỉ khiến bạn tốn một khoản tiền đầu tư bếp gas mới do bếp cũ mau xuống cấp mà còn khiến nguy hiểm rình rập gia đình mình khi dùng bếp cũ lâu ngày bị hư hại.
6Không kiểm tra an toàn bếp định kỳ
Kiểm tra an toàn bếp định kỳ nghe có vẻ dư thừa trong thói quen sử dụng bếp gas của phần đông các gia đình.
Tuy nhiên, bếp gas cũng cần thay mới các bộ phận như dây dẫn, van khóa an toàn… sau một thời gian nhất định sử dụng (khoảng 3 – 5 năm). Và bản thân bếp gas cũng cần thay mới khi quá cũ hay rỉ sét nhiều.
Kiểm tra an toàn định kỳ giúp người dùng phát hiện những điểm kém an toàn, những vị trí bếp hay dây dẫn bị hỏng để có cách thức xử lý hay thay thế để gia tăng tính an toàn khi sử dụng.
7Sử dụng bếp gas quá cũ, rỉ sét
Như đã nói ở trên về mối nguy hiểm khi sử dụng bếp gas quá cũ. Ngoài các điểm rỉ sét dễ gây rò rỉ gas khi dùng, một số bếp quá cũ còn phải mồi lửa mới có thể cháy khiến khả năng khí gas thoát ra là khá lớn, kéo theo nguy cơ cháy/nổ.
Khi bếp gas đã quá cũ, đừng ngần ngại việc đầu tư thay mới vì nó không chỉ đảm bảo tính an toàn cho gia đình mà còn góp phần tiết kiệm gas do bị rò rỉ trong quá trình sử dụng.
Những lỗi nhỏ có thể dẫn đến hậu quả lớn và tai hại. Hãy lưu ý những lỗi trên để đảm bảo tính an toàn cao nhất cho gia đình bạn khi sử dụng bếp gas nhé!
Siêu thị Điện máy XANH