Bếp điện đang dần được ưa chuộng và thay thế cho các loại bếp lửa gas truyền thống, tuy vậy phần đông chúng ta vẫn chưa sử dụng đúng cách do chưa hiểu rõ các đặc điểm của bếp điện và rất dễ dẫn đến nhiều sự cố đáng tiếc như hỏng nồi, bếp quá tải, nứt vỡ mặt kính… và rất tốn chi phí khi thay thế hoặc sửa chữa. Dưới đây là những sai lầm mà người dùng hay mắc phải.
Dùng xoong nồi quá mỏng
Rất nhiều người thường sử dụng các loại xoong chảo đáy mỏng để nấu trên bếp điện, phần đáy rất dễ bị biến dạng, thường là cong lên hoặc tệ hơn là thủng đáy. Đặc biệt, diện tích tiếp xúc giữa mặt bếp và dụng cụ nấu bị thu hẹp dẫn đến các món ăn chín không đều hay thậm chí bị cháy.
Dùng xong chảo quá mỏng là nguyên nhân dẫn đến món ăn hay bị cháy
Nấu ở nhiệt độ cao liên tục
Việc duy trì mức công suất cao liên tục khi dùng bếp điện là không cần thiết, vì nhiệt độ làm nóng trên bếp điện rất cao so với bếp gas, rất dễ gây quá tải và giảm tuổi thọ của bếp cũng như hỏng hóc dụng cụ nấu nướng.
Không nên nấu ở nhiệt độ cao lâu, dễ làm hỏng bếp
Dễ bị bỏng nếu không chú ý
Bếp điện từ hoạt động theo cơ chế cảm ứng từ, làm nóng trực tiếp dụng cụ nấu bằng kim loại không qua mặt bếp nên mặt bếp sẽ không bị nóng như bếp hồng ngoại tuy nhiên trong quá trình nấu nướng, xoong chảo sau khi được làm nóng cũng tỏa nhiệt xuống dưới mặt bếp và sau khi nấu xong, do vậy không nên chạm tay ngay vào mặt bếp
Không chạm tay vào mặt bếp khi mới nấu nướng xong
Che kín luồng khí lưu thông
Bếp điện có thiết kế tương đối gọn gàng nên nhiều chị em thường tận dụng tối đa khoảng trống trên bếp để sắp xếp đồ đạc, và vô tình che mất luồng khí lưu thông tản nhiệt cho bếp, dẫn đến tình trạng quá nhiệt của bếp cũng như các hơi ẩm mốc trong quá trình nấu đọng lại bên trong bếp lâu ngày có thể dẫn đến chập mạch, hỏng hóc.
Luôn để cánh quạt thông thoáng khi sử dụng
Rút nguồn điện ngay sau khi vừa nấu xong
Khi vừa nấu xong, chúng ta thường ngắt điện ngay lập tức vì muốn tiết kiệm điện, thế nhưng điều này sẽ làm cho quá trình làm mát của bếp chậm lại do quạt tản nhiệt không hoạt động nữa.
Không rút điện ngay sau khi mới sử dụng bếp
Bất cẩn khi sử dụng dụng cụ
Đối với bếp điện từ, tất cả các vật bằng kim loại khi đặt trên mặt bếp đều được làm nóng, do vậy bạn phải chú ý không để các dụng cụ, đồ vật kim loại trên mặt bếp.
Không để vật dụng kim loại lên bề mặt bếp từ đang hoạt động
Lười vệ sinh bếp
So với bếp gas, các loại bếp điện có thiết kế nhỏ gọn và dễ vệ sinh hơn. Tuy nhiên, như vậy vô tình lại làm cho nhiều người ít có thói quen lau chùi, bảo dưỡng một cách cẩn thận. Ngoài ra, mặt bếp nếu ẩm ướt và không sạch dầu mỡ rất dễ bị rạn nứt nếu hoạt động ở nhiệt độ cao.
Rèn luyện thói quen lau chùi bếp sau khi sử dụng
Tuân thủ những quy tắc an toàn là cách tốt nhất để bảo quản bếp điện luôn mới và tốt. Nếu như bạn có kinh nghiệm dùng bếp điện hữu ích nào, hãy chia sẻ cùng dienmay.com và những bạn đọc khác nhé!
DienmayXANH.com