Bạn có lần nào bị lỗi kẹt, dội ngược khi sử dụng máy cắt cầm tay hay không? Vậy đâu là nguyên nhân? Cách khắc phục lỗi này như thế nào? Làm thế nào để phòng tránh? Các bạn cùng Điện máy XANH tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
1. Lực dội ngược là gì?
Lực dội ngược là phản ứng của máy cắt khi đang hoạt động nhưng vì một lí do nào đó mà đĩa cắt, miếng đệm, chổi chà hay bất kỳ phụ tùng nào khác bị kẹt lại hay gặp trở ngại bất ngờ làm cho phụ tùng đang quay nhanh chóng ngừng ngay hoạt động. Hậu quả là máy cắt bị mất điều khiển nên quay ngược chiều quay của phụ tùng ngay thời điểm bị kẹp chặt.
2. Kẹt đĩa khi đè lực cắt quá mạnh
Khi bạn đè lực cắt quá mạnh làm tăng áp lực lên đĩa dễ làm đĩa bị xoắn vặn hay bị kèn chặt trong đường cắt dễ gây ra lực dội ngược hoặc vỡ đĩa.
3. Kẹt đĩa do vật liệu không thích hợp
Các loại đĩa không được khuyến cáo dùng cho máy cắt hoặc dùng đĩa cắt sai mục đích cũng dễ gây ra lực dội ngược, dễ gây tai nạn cho người sử dụng.
4. Kẹt đĩa do ngắt điện đột ngột
Khi máy đang hoạt động với cường độ cao nhưng bị ngắt điện làm máy ngừng đột ngột cũng gây ra kẹt đĩa dẫn đến lực dội ngược, có thể vỡ đĩa, hỏng máy và dễ gây tai nạn.
5. Các lưu ý an toàn khi sử dụng máy mài để tránh đĩa kẹt, đĩa bị dội ngược
Sự dội ngược là hậu quả của việc vận hành máy không đúng chức năng, qui trình thao tác máy sai hoặc sử dụng máy trong điều kiện xấu. Để tránh lực dội ngược và tránh tai nạn nếu lực dội ngược xảy ra bạn nên tuân theo các nguyên tắc an toàn dưới đây.
Thao tác vận hành máy đúng
– Luôn giữ chắc dụng cụ điện và tạo tư thế thân thể, cánh tay cho phép bạn chịu được lực dội ngược. Luôn luôn sử dụng tay nắm phụ, nếu có kèm theo máy, để khống chế tối đa các phản ứng dội ngược hay vặn xoắn trong thời điểm khởi động.
– Tránh xa phạm vi mà lực dội ngược có thể ảnh hưởng tới nếu xảy ra dội ngược. Chẳng hạn như tay không để gần phụ tùng đang quay, đứng xa chiều ngược với chiều chuyển động của đĩa.
– Hãy đặt biệt lưu ý khi gia công các góc cạnh, cạnh bén,… Tránh không để phụ tùng bị nảy lên hay bị chèn chặt. Các góc, cạnh bén hay sự nảy lên có khuynh hướng làm cho phụ tùng đang quay bị trở ngại và làm mất điều khiển hay bị dội ngược.
– Bạn không được dùng sức tạo lực ép đè máy quá mức. Tạo lực áp quá đáng lên đĩa làm tăng sức tải và dễ làm dĩa bị xoắn vặn hay bị kèn chặt trong đường cắt và có khả năng dội ngược hay vỡ dĩa xảy ra.
– Nếu đĩa bị kẹt hoặc máy ngừng đột ngột, bạn cần tắt ngay máy, đợi đĩa ngừng quay hoàn toàn mới nhấc đĩa ra khỏi vật liệu để tránh lực dội ngược xảy ra. Sau đó bạn kiểm tra và xem xét loại trừ nguyên nhân gây kẹt đĩa.
– Để tạo sự chắc chắn và tránh dĩa bị kẹt hay dội ngược bạn cần kê đỡ dưới vật gia công.
– Hãy cẩn trọng hơn khi thực hiện việc “cắt mò” vào các bức tường hay các khu vực không nhìn thấy được. Bạn có thể cắt phạm vào ống dẫn khí đốt hay nước, đường điện,… gây nguy hiểm và có thể gây ra lực dội ngược.
Sử dụng máy và phụ tùng đúng chức năng
– Sử dụng các loại đĩa đúng cho máy cầm tay và dùng đĩa đúng mục đích được khuyến cáo. Các loại đĩa này có chắn bảo vệ dành riêng đảm bảo an toàn khi vận hành.
– Không phải tự nhiên mà máy cắt có chắn bảo vệ, bạn cần lắp đặt đúng để bảo vệ người vận hành máy tránh khỏi các mảnh vỡ của dĩa, các tia lửa phát ra khi sử dụng máy và chắn để bạn không chạm vào đĩa đang quay.
– Mỗi loại đĩa có bích lắp khác nhau, giúp giảm khả năng vỡ đĩa. Bạn cần sử dụng đúng loại bích lắp với đĩa để đảm bảo an toàn.
– Không sử dụng đĩa dùng cho dụng cụ điện lớn hơn đã bị mòn nhỏ lại. Đĩa được cấu tạo cho dụng cụ điện loại lớn không thích hợp với dụng cụ điện cầm tay nhỏ lại có tốc độ cao hơn và có thể bị vỡ tung.
Xem thêm
- Những quy tắc an toàn khi sử dụng dụng cụ điện cầm tay
- Những lưu ý khi sử dụng và bảo dưỡng dụng cụ điện cầm tay
Hy vọng bài viết trên sẽ giúp ích cho bạn khi sử dụng máy cắt cầm tay nhé!