Nếu bạn đã yêu thích các món cháo thì không thể bỏ qua món cháo vịt thơm ngon, hấp dẫn. Nhưng để nấu cháo vịt không bị hôi thì cũng cần một số bí quyết. Cùng vào bếp lấy công thức nấu cháo vịt ngon và một số lưu ý nhỏ để cháo không bị hoi mùi nhé!
Thời gian dự tính chế biến món cháo vịt:
– Thời gian chuẩn bị: 15 phút.
– Thời gian hầm cháo: 1 giờ.
Các bạn chuẩn bị nguyên liệu dưới cho khoảng 4 người ăn.
Nguyên liệu và dụng cụ cần chuẩn bị nấu cháo vịt gồm:
- Vịt xiêm hoặc vịt cỏ: 1 con.
- Gạo tẻ: 1 chén, trong đó có một nắm gạo nếp để nấu cháo ngon hơn.
- Nấm rơm: 100 gr.
- Hành tím: 4 củ.
- Tỏi khô: 2 củ.
- Ớt tươi: 4 trái.
- Gừng tươi: 1 nhánh.
- Các loại rau ăn kèm với cháo: tía tô, húng quế, mùi tàu, rau thơm,…
- Hành lá: 10 cây.
- Hành phi: 3 thìa canh (hoặc chuẩn bị 4 – 6 củ hành để làm hành phi).
- Dụng cụ: Bếp, nồi, chảo, tô, chén, muỗng…
Lưu ý khi chuẩn bị nguyên liệu:
– Cách chọn vịt nấu cháo:
Để có món cháo vịt ngon, khâu chọn vịt là rất quan trọng. Vịt nấu cháo nên chọn vịt xiêm hay vịt cỏ (vịt nhiều thịt, ít mỡ, thịt dai ngọt); thịt vịt nuôi thường khá mềm, có nhiều mỡ và không ngọt bằng vịt xiêm hay vịt cỏ.
Tốt nhất, bạn nên mua vịt sống về làm cho đảm bảo. Chọn vịt trưởng thành và béo, ức đầy, da cổ và da bụng dày, mọc đủ lông. Những con vịt này không chỉ ngon mà khi làm lông cũng rất nhanh.
Nếu mua vịt làm sẵn, nên chọn vịt mới mổ, nhìn bề ngoài thấy có vẻ tươi ngon, khi ấn vào vịt thấy thịt chắc. Những con vịt có hai bên đùi và phần lườn căng bóng, thớ thịt dày, dùng tay ấn vào thịt bị biến dạng thì đó là vịt bơm nước, không nên mua.
– Cách chọn gạo ngon để nấu cháo vịt.
Gạo nấu cháo phải là gạo tẻ ngon, thêm một nắm gạo nếp để cháo thơm và sánh mịn hơn khi nấu. Nếu muốn nấu cháo đậu xanh thì có thể kết hợp thêm một nắm đậu xanh.
Các bước chế biến cháo vịt:
Bước 1. Sơ chế nguyên liệu.
– Sơ chế vịt:
Thịt vịt sau khi làm sạch bạn tiến hành khử mùi hôi: Lấy một nắm muối hạt, chà xát lên toàn bột con vịt để diệt khuẩn và loại bỏ mùi hôi, rửa lại với nước rồi xát lại lần nữa với hỗn hợp rượu – gừng. Cuối cùng, rửa lại với nước rồi để ráo.
Ngoài cách làm trên, bạn có thể dùng chanh hoặc muối + giấm để chà xát lên mình vịt, mùi hôi cũng sẽ được loại bỏ.
– Sơ chế gạo:
Gạo đem vo sạch, để thật ráo nước rồi cho vào chảo, rang với lửa nhỏ cho đến khi gạo hơi ngả màu. Rang gạo trước khi nấu sẽ giúp cháo thơm và ngon hơn so với việc nấu gạo thường.
– Sơ chế các nguyên liệu khác:
+ Hành lá nhặt gốc, rửa sạch, phần đầu hành trắng cắt khúc khoảng 3 – 5cm, phần lá xanh thái nhỏ.
+ Các loại rau thơm rửa sạch, để ráo.
+ Nấm rơm rửa sạch, thái mỏng sau đó cho lên chảo xào sơ với một ít hành phi thơm.
Bước 2. Làm hành phi.
– Hành tím bóc vỏ, thái lát mỏng rồi cho vào khay lớn, dàn đều hành ra khay, đem ra phơi nắng cho hơi héo là được.
– Tiếp đó, bạn bắc chảo lên bếp rồi cho dầu vào đun nóng, lượng dầu vừa đủ để ngập hành. Trút hành vào phi, đảo nhẹ tay cho đến khi thấy hành vàng giòn thì dùng rây vớt ra, để ráo dầu.
– Khi hành nguội sẽ cứng và giòn, bạn cho vào hộp kín hoặc túi nilong để bảo quản, để hành phi ngoài không khí lâu thì hành sẽ nhanh bị ỉu.
Bước 3. Nấu cháo vịt.
– Củ hành tím bạn để nguyên cả gốc và vỏ, cho lên bếp nướng thơm, sau đó bóc hết lớp vỏ ngoài rồi đập dập.
– Bắc một nồi nước lên bếp nấu sôi (lượng nước đủ để luộc vịt), bạn cho hết hành nướng vào nồi rồi cho vịt vào luộc.
– Hành nướng có tác dụng khử mùi triệt để, đồng thời làm tăng hương vị cho vịt luộc và nước dùng. Bạn để lửa lớn rồi hạ lửa nhỏ để vịt chín từ từ, nước luộc không bị cạn.
Lưu ý: Trong khi luộc vịt, bạn mở nắp vung và thường xuyên vớt bọt, cách này sẽ giúp nước luộc có độ trong ngọt tự nhiên và loại bỏ các cặn bẩn.
– Luộc vịt khoảng 15 phút thì bạn cho gạo vào nấu cùng, khi thịt vịt chín mềm, bạn vớt vịt ra ngoài rồi để nguội.
– Cho nấm đã xào vào nồi cháo.
– Nếu khi vớt vịt, gạo vẫn chưa bung đều thì tiếp tục nấu cho đến khi gạo nở búp, hạt gạo bung vừa phải, không quá nhừ là được. Nêm nếm gia vị vừa ăn.
Bước 4. Chặt vịt thành các miếng nhỏ.
Thịt vịt sau khi để nguội bạn chặt miếng nhỏ vừa ăn, xếp vào đĩa một cách đẹp mắt. Thịt vịt sẽ được dọn ăn cùng với cháo và các loại rau thơm.
Bước 5. Làm nước mắm gừng chấm thịt vịt.
– Tỏi bóc vỏ. Ớt rửa sạch, bỏ hạt, cắt miếng nhỏ. Gừng cạo vỏ, đập dập. Tất cả cho vào cối giã nhuyễn, sau đó pha với nước mắm ngon theo tỉ lệ 2 mắm – 1 đường.
Khuấy đều hỗn hợp nước mắm, vắt thêm chút nước cốt chanh là đủ vị chua, cay, mặn, ngọt.
Bước 6: Làm gỏi bắp cải ăn kèm:
Bạn có thể làm thêm gỏi để ăn với cháo như ngoài hàng:
– Cách làm gỏi cũng khá đơn giản: Bắp cải bào thật mỏng, rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào tủ lạnh khoảng 1 tiếng cho giòn. Cà rốt bào sợi, rau răm cắt nhỏ.
– Nước trộn gỏi được pha từ giấm và đường theo tỉ lệ 1:1 với một ít hành tím thái mỏng. Khi ăn, trộn bắp cải, cà rốt, rau răm với nước trộn gỏi, rắc thêm hành phi và đậu phộng rang lên trên rồi ăn cùng cháo vịt.
Bước 7: Thành phẩm cháo vịt.
Cháo vịt giữ nóng, múc ra tô, rắc thêm hành lá, đầu hành, hành phi và hạt tiêu lên trên. Bày đĩa thịt vịt, đĩa rau sống và chén nước chấm ra cùng rồi thưởng thức.
Một số lưu ý khi nấu cháo vịt:
– Yêu cầu thành phẩm món cháo vịt:
- Cháo phải được giữ nóng đến khi ăn, cháo có vịt ngọt tự nhiên của nước dùng vịt, hạt gạo bung vừa phải, có mùi thơm nhẹ của gạo ngon, mùi thơm sực nức của tiêu và hành phi ngầy ngậy.
- Cháo có độ loãng vừa phải, không quá đặc cũng không quá loãng.
- Thịt vịt chín mềm, vị dai ngọt tự nhiên, khi chấm với nước mắm sẽ ngon thêm bội phần.
– Một cách nấu cháo vịt khác cũng rất ngon và dễ ăn là bạn xé nhỏ thịt vịt, bỏ hết xương, sau đó cho thịt vào nồi cháo chín, đun thêm vài phút rồi múc ra ăn ngay. Cách này phù hợp với trẻ em và những người bệnh.
– Ngoài cách nấu cháo vịt trên, các mẹ có thể kết hợp thêm với đậu xanh, khoai môn… để nấu các món cháo dinh dưỡng cho bé. Lưu ý, thịt vịt phải được xé nhỏ hoặc xay nhuyễn sau khi luộc tùy theo độ tuổi của bé.
-Trong thịt vịt có chứa lượng chất béo và cholesterrol khá cao, nếu đang thực hiện chế độ ăn giảm cân thì chỉ nên ăn phần ức hoặc dùng ức vịt để nấu cháo.
– Thịt vịt cũng chứa lượng purin cao, có thể làm tăng axit uric trong cơ thể khiến cho các khớp xương đau nhức, người bị bệnh gout cũng nên kiêng ăn.
– Cháo vịt có tính hàn nên người bị huyết áp thấp hay phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt cũng nên hạn chế.
Xem thêm:
– Một số món cháo ngon tại đây.
Hướng dẫn chi tiết cách nấu cháo cá chép không bị tanh, ngon như ngoài hàng.
Hướng dẫn 2 cách nấu cháo gà thơm ngon đậm đà bổ dưỡng.
Chúc các bạn thành công!