Như chúng ta đã biết LG và Samsung đều mang TV OLED cong đến CES 2013 và gây được ấn tượng mạnh mẽ. Cả hai chiếc tivi OLED của 2 hãng đều có kích thước và độ cong tương đương nhau. Vậy liệu tương lai của công nghệ OLED này có tiến xa hơn như chúng ta tưởng hay không?
Sony và Panasonic rời bỏ cuộc đua OLED
Chúng ta đi ngược về CES 2013, cả LG và Samsung đã làm giới công nghệ phải thán phục khi tung ra những mẫu tivi cực kỳ ấn tượng, kết hợp độ phân giải 4K với công nghệ hiển thị OLED, được thiết kế siêu mỏng, sang trọng và rất tinh tế. Và ngay tại thời điểm đó người ta đã nghĩ rằng tương lai sẽ bị cái tên OLED thống trị. Nhưng gần 1 năm sau màn trình diễn hoành tráng hớp hồn giới công nghệ này diễn ra, Sony và Panasonic chính thức rời bỏ cuộc đua OLED cho đến nay vẫn chưa có một sản phẩm OLED nào.
TV OLED của LG tại CES 2013
Vấn đề ở chỗ gần 1 năm sau, cả 2 công ty lớn này đã bỏ cuộc trước sự bất ngờ của giới công nghệ. Đặc biệt là trong thời điểm vô cùng nhạy cảm trước thềm của CES 2014, nơi không ít người mong chờ rằng Sony và Panasonic sẽ giới thiệu các dòng TV OLED thương mại đầu tiên của mình. Như vậy, đứng trước năm 2014, Tivi OLED từ một ngôi sao sáng giá đã không còn hấp dẫn như cái nhìn đầu tiên mà chúng ta đã nghĩ.
Vậy lý do tại sao Sony và Panasonic lại rời bỏ cuộc đua OLED này?
Khác với hai nhà lớn của Hàn Quốc sản xuất tấm nền OLED theo kiểu truyền thống như LCD, liên minh đến từ Nhật Bản được cho là sẽ chế tạo theo công nghệ in để dễ dàng trong việc sản xuất hàng loạt cũng như giảm chi phí sản xuất. Như vậy, mục tiêu của Sony và Panasonic là sẽ tung ra những dòng TV OLED giá thấp hơn cả LG và Samsung. Bên cạnh đó, họ sẽ giữ lại chất lượng hình ảnh tuyệt vời vốn đã là thương hiệu của Nhật Bản. Bởi vì phương châm của họ là giá rẻ đi kèm chất lượng tốt.
TV OLED tại CES 2013
Nhưng đối với một công nghệ mới mẻ như OLED, để hoàn chỉnh được công nghệ sản xuất đã là một điều khó khăn lớn khi chưa nói đến việc đi đường tắt và muốn hơn đối thủ về mặt giá cả. Với kinh phí đầu tư nghiên cứu rất nhiều, Samsung và LG đã gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất, dẫn đến tỉ lệ thành phẩm thấp hơn so với dự kiến. Đó là lý do mà TV OLED có giá không hề rẻ. Sony và Panasonic đã đặt mục tiêu của mình quá cao khi bản thân mình gia nhập cuộc đua trễ, vậy việc bất ngờ rời bỏ cuộc đua và tuyên bố sẽ tập trung vào đầu tư công nghệ 4K là một điều dễ hiểu.
TV OLED có triển vọng thành công như chúng ta tưởng hay không?
TV OLED màn hình cong ra đời đã nâng tầm chất lượng hiển thị hình ảnh và thiết kế tivi lên chuẩn mực mới. Độ cong của màn hình được thiết kế và tính toán tỉ mỉ, chính xác để đảm bảo các khoảng cách từ người xem đến màn hình luôn đồng nhất. Đây là điểm cải tiến vượt bậc so với các thế hệ tivi màn hình phẳng trước kia do hạn chế về mặt kỹ thuật. Và chiếc TV OLED 55 inch cong mới nhất của LG phải nói là hơn cả cái được gọi là “tuyệt vời”, chất lượng hình ảnh của nó là tuyệt nhất trong tất cả các dòng tivi hiện nay mà bạn đã thấy. Thế nhưng nếu xét về mặt giá cả, quá khó để có thể thuyết phục một người tiêu dùng bình thường bỏ ra để sở hữu nó.
TV OLED LG thiết kế tuyệt đẹp siêu mỏng
Với cái giá được LG đưa ra là 250 triệu tại Việt Nam và 10.000 USD tại Mỹ, ngay cả những gì tuyệt vời nhất mà nó mang lại cũng không thể bù đắp lại được suy nghĩ của người tiêu dùng. Với cùng một số tiền đó, bạn có thể sở hữu một chiếc tivi 4K hoành tráng với độ rõ nét cao hơn và với kích thước lên đến 84 inch. Chính Samsung và LG cũng thừa nhận rằng doanh số của TV OLED thực sự không như mong đợi. Năm ngoái khi các sản phẩm tivi 4K ra mắt, dù giá vẫn rất đắt đỏ nhưng với thông số và chất lượng hình ảnh cực kỳ ấn tượng, các mẫu tivi 4K 84 inch có doanh số vượt ngoài dự kiến của các hãng sản xuất.
Các mẫu tivi 4K hiện nay đều sử dụng tấm nền LCD vốn đã gần như đã được hoàn chỉnh trong dây chuyền sản xuất và nghiên cứu. Đó cũng là nguyên nhân mà các mẫu tivi 4k cỡ nhỏ ra mắt gần đây có giá dễ chịu hơn, thậm chí chỉ đắt hơn một chút so với các dòng Full HD cao cấp cùng kích thước. Một điều quyết định lớn đến sự thành công của tivi 4K chính là yếu tố quyết định của tương lai, bởi vì độ phân giải 4K là bước tiến hóa tiếp theo của giới HD và nếu muốn đi theo kịp thời đại, chúng ta cũng không còn con đường nào khác. 4K không còn là một lựa chọn mà nó là một chuẩn mực. Và những lý do để bạn yêu mến 4K thì vô số như bài viết mà DienmayXANH.com đã nêu tại đây.
OLED chất lượng màu sắc tuyệt vời
Trong khi đó, điểm mạnh của OLED là chất lượng màu sắc tuyệt vời, có độ tương phản rất cao, màn hình cong sẽ cách đều mắt người dùng do đó loại bỏ được hiện tượng biến dạng ảnh ở viền màn hình cũng như việc mất chi tiết. Một điều đáng nói hơn nữa là thiết kế của những chiếc TV OLED cực kì mỏng và đẹp, nó sẽ hớp hồn bạn ngay lập tức dù bạn có là người khó tính đến thế nào đi nữa. Nếu chọn một trong hai, 4k có lợi thế hơn nhiều so với OLED bởi những ưu điểm của nó đem lại là khách quan và bất cứ ai cũng có thể dễ dàng nhận ra. Như vậy việc Sony và Panasonic rời bỏ cuộc đua OLED để tập trung cho tivi 4K đơn giản là vì khả năng thành công của nó cao hơn rất nhiều và không đòi hỏi kinh phí đầu tư quá lớn như OLED.
Cuộc đua OLED đã không còn hấp dẫn?
Người ta kỳ vọng nhất ở cuộc đua OLED chính là cuộc so tài giữa các liên minh OLED Nhật Bản là Sony và Panasonic và 2 thương hiệu nổi tiếng Hàn Quốc là Samsung và LG. Chiến lược mỗi hãng đưa ra là hoàn toàn khác biệt nhưng điểm chung của các thương hiệu này là cho ra đời những sản phẩm OLED có chất lượng hình ảnh cao nhất đến người tiêu dùng hiện nay.
Cuộc đua OLED sẽ vẫn tiếp tục ở tương lai?
Sony, Panasonic chính thức bỏ cuộc, nhưng không có nghĩa là LG và Samsung sẽ đơn độc trong cuộc chạy đua phát triển công nghệ OLED. Vẫn còn đó những thương hiệu nổi tiếng từ Mỹ và đặc biệt là Trung Quốc vẫn đang gấp rút hoàn tất những sản phẩm của mình. Và mục tiêu mà những thương hiệu này hướng tới là phân khúc TV OLED giá rẻ. Mà một khi đã rẻ, chúng ta cũng không thể trông chờ điều kỳ diệu về chất lượng hình ảnh có thể xảy ra. Dù cho công nghệ đó có phát triển mạnh mẽ đến cỡ nào đi nữa thì chất lượng tốt luôn đi kèm với giá cả cao.
Kết
Cuộc đua công nghệ vẫn đang tiếp tục và vẫn còn quá sớm để chúng ta khẳng định OLED có thể bước lên vị trí thống trị nền công nghiệp hiển thị hiện nay hay không. Và trong tương lai chúng ta sẽ còn được thấy những màn hình công nghệ mới nào nữa. Tham vọng để phát triển là điều không ngừng nghỉ. Nhưng chúng ta có quyền hy vọng sẽ chứng kiến được các công nghệ mới nhất có thể áp dụng thành công trong cuộc sống ở một tương lai rất gần.
dienmay.com