Hướng dẫn cách nấu bún thang ngon, chuẩn vị Hà Nội

Bún thang là một món ăn mang đậm hương vị của người Hà Nội nổi tiếng bởi sự cầu kỳ, tinh tế, thể hiện phong cách thanh nhã của ẩm thực của người Tràng An. Cùng vào bếp với Điện máy XANH bằng công thức nấu bún thang chuẩn vị Hà Nội ngay tại gian bếp của mình nhé!

1Vài nét về món “bún thang”

Bún thang là một món ăn quen thuộc của người Hà Nội, được nhiều người yêu thích bởi vị của nước dùng rất ngọt, đậm đà, trong veo và thơm nồng mùi tôm khô khiến món ăn có mùi vị rất đặc trưng và ngon khó cưỡng. Hơn hết, bún thang Hà Nội có sự kết hợp hoàn hảo giữa sắc, hương và vị đem lại sự hấp dẫn đến khó quên.

bún thang Hà Nội

Tại sao “bún thang” lại được gọi là “bún thang”? Có người giải thích rằng “Gọi là Bún Thang bởi bát bún được làm giống như là bốc thuốc vậy, mỗi thứ một ít, một ít rồi hợp lại thành một hương vị rất riêng, ngọt và đậm chất bổ dưỡng”.

Còn theo một số các nhà nghiên cứu ẩm thực, thì Bún Thang lại có nghĩa đơn giản. “Thang “ trong tiếng Hán có nghĩa là “canh”. Bún thang có thể hiểu là “bún được chan bởi canh”. Sự ra đời của món ăn này bắt nguồn từ món canh thượng thang của người thủ đô xưa.

Như vậy, có nghĩa bún thang đã là một trong những món ăn có truyền thống lâu đời trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội.

2 Chuẩn bị nguyên liệu làm bún thang 

Phần nguyên liệu dưới đây được chuẩn bị cho 3 – 4 người ăn:

  • 100g giò lụa
  • 500g xương hom hay xương ống heo
  • 1 con gà ta
  • 2 quả trứng vịt
  • 1,5 kg bún sợi nhỏ
  • 200g tôm sú
  • 100g tôm khô, 2-3 cái râu mực khô (hoặc sá sùng)
  • Hành lá, rau răm, hành khô và gừng nướng, nấm hương, củ cải khô
  • Mắm tôm, gia vị, nước mắm, 1 chút đường phèn, giấm, đường cát trắng

 
3Sơ chế nguyên liệu làm bún thang

  • Giò lụa thái thành sợi thật nhỏ, để riêng.

giò lụa thái nhỏ

  • Hành lá, rau răm đem nhặt rồi rửa sạch với nước và để ráo rồi đem thái nhỏ, để riêng.
  • Gừng rửa sạch, để ráo nước.
  • Hành tím bóc sạch vỏ, rửa sạch rồi đem đập dập, băm nhỏ, để riêng.

thái nhỏ nguyên liệu

  • Củ cải khô ngâm nước ấm 30 phút cho nở ra rồi đem rửa lại với nước sạch. Tiếp theo, bạn thái sợi thật nhỏ và trộn với 2 thìa giấm, 1 thìa đường trắng, trộn đều và để 30 phút cho củ cải thấm gia vị.
  • Nấm hương nhặt sạch cắt bỏ phần chân đen, rửa sạch, thái nhỏ.

thái nhỏ nguyên liệu

  • Tôm khô nhặt bỏ bụi bẩn, để riêng.
  • Tôm sú cắt bỏ đầu, bỏ đuôi, bóc bỏ vỏ, tách bỏ sợi chỉ đen trên lưng tôm rồi đem rửa sạch. Cho tôm vào cối giã sơ qua rồi để riêng.

làm sạch tôm khô

  • Đánh trứng vào bát, thêm chút hạt nêm vào, khuấy đều và để riêng.
  • Gà rửa kỹ với nước muối pha loãng, rửa lại với nước sạch và để ráo.
  • Xương heo rửa sạch với nước muối pha loãng, rửa lại với nước sạch và để ráo.

4 Các bước làm bún thang

Bước 1: Gừng đã rửa sạch đem nướng cho đến khi nào chín và có mùi thơm. Tiếp đó, cho râu mực lên bếp nướng chín, đợi đến khi râu nguội, xé thành sợi nhỏ là được.

râu mực đêm nướng và xé nhỏ
Bước 2: Cho gà vào nồi luộc, đến khi sôi thì cho một chút gia vị 1 muỗng hạt nêm, 1/2 muỗng đường, 1 muỗng cafe muối và hành khô, gừng đã nướng thơm vào, hạ nhỏ lửa để gà chín bên trong. Sau khi vớt ra để nguội, bạn dùng tay xé sợi vừa ăn và để riêng.

gà đem luộc rồi vớt ra để nguội
Bước 3: Xương lợn cho vào nồi đun sôi với nước, sau đó đổ hết nước đó đi, cho ra vào nước lạnh rửa sạch vụn xương. Sau đó đổ xương vào nồi nước luộc gà ninh nhừ (khoảng 2 – 3 tiếng) để làm nước dùng.

ninh xương
Bước 4: Cho tôm khô vào rang thơm rồi cho ra đĩa. Tiếp đó, cho chút dầu ăn vào tráng đều mặt chảo, đến khi dầu nóng già thì cho tôm sú đã giã vào, thêm chút nước mắm rồi sao cho tôm chín, hơi khô lại thành ruốc tôm thì cho ra đĩa.

làm ruốc tôm
Bước 5: Cho bát trứng đã đánh vào rán sao cho thật mỏng. Đến khi chín cho trứng ra đĩa, đợi trứng nguội thì thái thành sợi nhỏ.

Trứng chiên thái sợi
Bước 6: Khi nồi nước ninh xương đun được khoảng 50 phút đến 1 tiếng, thì cho râu mực nướng chín, tôm khô đã rang, nấm hương, 1 viên đường phèn, 1 thìa hạt nêm, 1 thìa muối và chút nước mắm vào, khuấy đều.

Tiếp tục ninh thêm 1 hoặc 2 tiếng nữa thì nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng, cho hành lá và rau răm xắt nhỏ vào, rồi tắt bếp.

Bước 7: Bún đem chần qua với nước, xếp các loại nhân lên trên rồi chan nước dùng vào là xong. Nếu ai có thể ăn được mắm tôm thì bạn cho ½ thìa cafe mắm tôm lên trên.

hoàn thành món bún

5 Các món ăn kèm với bún thang

Trong cách nấu bún thang ngon một yếu tố không thể bỏ qua chính là mắm tôm và củ cải ngâm.

Trong đó, mắm tôm chính là một thứ gia vị quan trọng, điểm xuyết như một nét nhấn nhá, làm nổi tất cả những mùi thơm theo một cách rất riêng, mời gọi ta bằng một mùi thơm vừa cao sang, vừa bình dân đến lạ lùng.

mắm tôm ăn kèm bún thang

Các lưu ý khi chọn nguyên liệu sao cho chuẩn vị nhất:

Một trong những yêu cầu quan trọng của cách nấu bún thang ngon chính là nguyên liệu. Phải lựa chọn cầu kỳ, tỉ mỉ từng loại nguyên liệu dù là nhỏ nhất mới có thể làm nên một món bún ngon. Người ta ước tính để làm một bát bún thang phải cần đến hai mươi loại nguyên liệu. 
 

  • Thịt gà: Thịt gà để nấu bún phải là gà ta dai thịt, thơm ngon, xé nhỏ nhưng vẫn còn dính lại chút da óng ánh như lá vàng quỳ. Nếu bạn chọn gà công nghiệp thì món ăn sẽ không còn đúng vị nữa.
  • Xương lợn: Xương lợn ninh nước dùng bạn có thể sử dụng xương ống hoặc xương cục, xương hom đều được. 
  • Bún tươi: Chọn loại bún sợi nhỏ, không chọn loại bún sợi to để chế biến món này.
  • Giò lụa: phải lựa chọn kỹ lưỡng, các khoanh giò được thái mỏng, ở giữa phải có màu hồng nhạt mới là giò ngon.
  • Ruốc tôm: phải ngọt mà không tanh, được làm bông lên.
  • Củ cải: khô xé sợi được dầm chua ngọt màu nâu vàng trông thật ngon mắt.

Xem thêm:

  • Cách nấu hủ tiếu Sa Đéc đặc sản trứ danh Đồng Tháp cực ngon dễ làm tại nhà
  • Cách làm bún đậu mắm tôm ngon ngất ngây ăn một lần là ghiền!
  • Cách làm mì cay 3 cấp độ cho ngày mưa thêm ấm bụng

Hy vọng với những bí quyết nấu ăn mà Điện máy XANH đã chia sẻ trên đây, gia đình bạn sẽ có những bữa ăn sum vầy với món bún thang ngon đúng điệu.