Ai ai trong chúng ta hẳn cũng đều từng điên đầu khi tìm mãi mà không thấy tập vở hay cuốn sách của mình để ở đâu và máy tính của bạn cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như vậy.
Ổ cứng chính là một giá sách khổng lồ, nơi mà chúng ta hàng ngày lại lấy ra (đọc, xóa dữ liệu), rồi thêm những cuốn sách mới (tạo mới dữ liệu)… Theo thời gian, sự lưu trữ dữ liệu dần trở nên “rối tung” khiến hệ thống hoạt động chậm chạp và ì ạch.
Vậy chúng ta phải làm thế nào để giải quyết điều này? Hãy cùng tham khảo hướng dẫn dưới đây để cùng tăng tốc máy tính qua việc chống phân mảnh ổ cứng hiệu quả.
Lưu ý: nếu ổ cứng của bạn là ổ rắn SSD thì không cần thiết và không nên thực hiện việc chống phân mảnh (do những đặc điểm kỹ thuật khác biệt của ổ đĩa rắn).
1. Windows 7:
Trước hết bạn cần mở công cụ chống phân mảnh ổ cứng của Windows 7 bằng cách lần lượt làm theo một trong bốn cách sau:
Cách 1:
– Nhấn vào nút Start (hoặc ấn phím Windows trên bàn phím).
– Nhấn vào All Programs.
– Tìm và nhấn chọn Accessories.
– Vào System Tools.
– Chọn công cụ Disk Defragmenter.
Cách 2:
– Nhấn vào nút Start (hoặc ấn phím Windows trên bàn phím).
– Tại khung tìm kiếm Search programs and files bạn gõ Disk Defragmenter và nhấn vào kết quả tìm thấy để khởi động công cụ.
Cách 3:
– Nhấn vào nút Start (hoặc ấn phím Windows trên bàn phím).
– Nhấn chọn Run (phím tắt Windows + R), gõ dfrgui và ấn Enter.
Cách 4:
– Mở Computer trên màn hình (phím tắt Windows + E).
– Nhấn chuột phải vào ổ đĩa (phân vùng) muốn chống phân mảnh và chọn Properties.
– Trong cửa sổ hiện lên bạn chuyển sang thẻ Tools.
– Nhấn vào nút Defragment now… để khởi động công cụ.
Cách sử dụng công cụ Disk Defragmenter
– Công cụ Disk Defragmenter xuất hiện với giao diện như hình dưới.
– Các bạn có thể nhấn chọn từng ổ đĩa (phân vùng) và click chuột vào nút Analyze disk để công cụ chuẩn đoán tình trạng phân mảnh hoặc nút Defragment disk để thực thi việc chống phân mảnh ổ đĩa tức thời.
– Ngoài ra, bạn cũng có thể tùy chỉnh hẹn giờ cho hệ thống tự động phân mảnh định kỳ bằng cách nhấn nút Configure schedule… và chọn các tùy chọn mong muốn như tự động chạy chống phân mảnh ổ đĩa C và D vào thời điểm nhất định của mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng…
2. Windows 8:
Trong Windows 8, công cụ này có tên mới là Optimize Drives.
Bạn có thể mở Optimize Drives thông qua 3 cách sau:
Cách 1:
– Nhấn vào nút Start (hoặc ấn phím Windows trên bàn phím) để mở giao diện Metro của Windows 8.
– Gõ Optimize Drives và nhấm chọn Defragment and optimize your drives trong kết quả tìm kiếm.
Cách 2:
– Nhấn vào biểu tượng This PC trên màn hình (hoặc nhấn phím tắt Windows + E).
– Nhấn chuột phải vào ổ đĩa (phân vùng) muốn chống phân mảnh và chọn Properties.
– Trong cửa sổ hiện lên bạn chuyển sang thẻ Tools.
– Nhấn vào nút Optimize để khởi động công cụ.
Cách sử dụng công cụ Optimize Drives
– Công cụ Optimize Drives có giao diện như hình dưới.
– Các bạn có thể nhấn chọn từng ổ đĩa (phân vùng) và click chuột vào nút Analyze để công cụ chuẩn đoán tình trạng phân mảnh hoặc nút Optimize để thực thi việc chống phân mảnh ổ đĩa tức thời.
– Bạn cũng có thể tùy chỉnh hẹn giờ cho hệ thống tự động phân mảnh định kỳ tương tự như công cụ Disk Defragmenter trên Windows 7 bằng cách nhấn nút Change settings và chọn các tùy chọn mong muốn như tự động chạy chống phân mảnh ổ đĩa C và D vào thời điểm nhất định của mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng…
3. Mac OS:
Nếu bạn đang sử dụng một máy Mac, bạn không cần phải quan tâm đến vấn đề chống phân mảnh ổ đĩa. Không giống như Windows, bản thân hệ điều hành Mac OS cùng với hệ thống tập tin tương ứng đã được xây dựng để chống sự phân mảnh ổ đĩa đến tối đa.
Lưu ý: trong thực tế với Mac OS, nếu ổ đĩa của bạn chỉ còn khoảng dưới 20% dung lượng trống thì việc phân mảnh ổ đĩa vẫn có thể xảy ra nhưng rất nhỏ và không làm ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất của hệ thống. Thậm chí, nếu e ngại ổ đĩa bị phân mảnh, bạn chỉ cần di chuyển dữ liệu ra bớt hoặc di chuyển qua lại toàn bộ dữ liệu.