Pha một tách cà phê nhỏ, bạn đun đến 1 lít nước trong ấm siêu tốc, điều đó có đúng? Hoàn toàn sai bạn nhé, rất lãng phí điện năng. Để sử dụng ấm siêu tốc hiệu quả, an toàn, tiết kiệm điện, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dùng, mời bạn xem ngay các mẹo hay bên dưới.
Không đun nước trong ấm siêu tốc liên tục
Rất nhiều người dùng có suy nghĩ ấm siêu tốc vừa đun nước xong vẫn còn ấm, nóng, nếu đun nước tiếp thì sẽ tiết kiệm điện năng hơn. Cách nghĩ này hoàn toàn không đúng bạn nhé, ấm siêu tốc nếu đun nước liên tục, trong thời gian dài thì mâm nhiệt sẽ nhanh bị quá nhiệt và có thể gây ra cháy nổ, nguy hiểm cho người dùng.
Với một số ấm siêu tốc, khi bạn sử dụng đun nước thời gian dài, rơ le nhiệt của ấm sẽ tự động ngắt điện làm cho ấm ngừng hoạt động. Lúc đó, bạn có cắm phích ấm vào ổ điện, nhấn nút điều chỉnh thì ấm cũng không hoạt động, đèn báo sẽ không phát sáng.
Hơn nữa, dù bạn đun nước bao nhiêu lần, thời gian cách nhau bao lâu thì ấm siêu tốc cũng sẽ dùng một lượng điện năng nhất định, ấm còn nóng cũng không giúp bạn tiết kiệm điện năng được. Vì thế, sau khi đun nước với ấm siêu tốc 1 lần, bạn hãy cho ấm tạm “nghỉ” ít phút, để ấm nguội, sau đó mới tiếp tục sử dụng sẽ an toàn và tăng độ bền cho ấm hơn.
Ngoài ra đối với sản phẩm ấm siêu tốc có chất liệu ruột ấm là thủy tinh thì bạn không nên cho nước lạnh vào ấm vừa sử dụng xong, còn đang nóng, dễ gây ra hiện tượng sốc nhiệt, làm thủy tinh bị rạng, vỡ.
Đổ nước vào ấm đúng hướng dẫn của nhà sản xuất
Đa số các ấm siêu tốc đều có thang hiển thị mực nước, các vạch mực nước tối thiểu và tối đa rất rõ ràng, dễ quan sát. Khi đổ nước vào ấm, bạn nên canh lượng nước vừa phải, không thấp hơn mức tối thiểu và không cao hơn mức tối đa.
Bởi vì nếu thấp hơn mức tối thiểu, nước khi sôi sẽ bị đóng cặn, nhanh bị cạn làm cho sản phẩm dễ hỏng. Trường hợp, nếu nước cho vào ấm vượt quá mức tối đa thì khi sôi nước dễ bị trào ra ngoài, tràn vào các thiết bị bên trong và gây rò rỉ, chập mạch điện, rất nguy hiểm cho người dùng.
Chỉ sử dụng ấm siêu tốc để đun nước
Ấm siêu tốc thiết kế để đun nước, không thiết kế để nấu sữa, nấu canh hay làm bất cứ việc gì khác. Nếu bạn cho vào ấm các thực phẩm hay nước có hương liệu, gia vị thì cặn sẽ đóng nhanh vào thành, đáy ấm, làm giảm độ bền của ấm. Các nhà sản xuất đều có khuyến cáo cho người dùng là tuyệt đối không sử dụng ấm cho mục đích nào khác ngoài đun nước.
Làm sạch ấm siêu tốc thường xuyên, không để đóng cặn, bị rỉ sét
Để tránh cho ấm siêu tốc bị đóng cặn, rỉ sét, làm giảm khả năng gia nhiệt, bạn nên thường xuyên vệ sinh ấm, làm sạch mâm nhiệt, ruột ấm, sử dụng giấm để vệ sinh, nếu dùng khăn để làm sạch thì nên cùng khăn mềm để tránh làm trầy chất liệu của ruột ấm.
Ngoài ra, việc “lười” vệ sinh ấm, để cặn đóng vào mâm nhiệt, làm truyền nhiệt không tốt, khiến nước chưa sôi mà ấm đã ngắt điện. Hãy nhớ vệ sinh ấm đều đặn để sử dụng tốt hơn.
Một số lưu ý khác
– Không để nước thừa bên trong ấm lâu, sẽ dễ làm mâm nhiệt bị gỉ, ra teng.
– Không di chuyển ấm khi đang đun sôi.
– Không đun nước ngoài trời, không đun nước trong phòng có máy lạnh, quạt để tránh cho ấm gia nhiệt nhiều hơn, tốn nhiều điện năng hơn.
– Đậy nắp ấm siêu tốc kín, không để hở để nước sau khi sôi đến 100 độ C thì ấm tự ngắt điện an toàn.
– Chỉ nên chọn ấm có dung tích phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình, đừng chọn loại quá lớn, tránh lãng phí năng lượng khi sử dụng.
Tham khảo thêm một số ấm siêu tốc giá rẻ:
Ấm siêu tốc nếu biết cách dùng hiệu quả, an toàn, tiết kiệm điện, sản phẩm của bạn sẽ có độ bền lâu hơn, đảm bảo an toàn cho bạn hơn trong quá trình sử dụng. Bạn muốn chia sẻ thêm kinh nghiệm dùng ấm siêu tốc? Bình luận vào ô bên dưới nhé.
Siêu thị Điện máy XANH