Tần số quét là một trong những thông số quan trọng khi chọn mua tivi. Ngày nay, nhiều người dùng thường lầm tưởng con số “hoành tráng” mà nhà sản xuất công bố 240 Hz, 800 Hz, 1000 Hz… là tần số quét thực của tivi. Nhưng thực tế không phải vậy.
1Thế nào là tần số quét trên tivi?
Tần số quét thực của một chiếc tivi (còn gọi là chỉ số chuyển động rõ nét) là số lượng khung hình tivi hiển thị được trong vòng 1 giây, và được tính bằng đơn vị Hz.
Chẳng hạn, tivi có tần số quét 100 Hz, nghĩa là mỗi giây sẽ có 100 khung hình được quét qua.
Từ đó có thể thấy, tần số quét này sẽ phát huy sức mạnh khi bạn xem những cảnh chuyển động nhanh trên tivi (phim hành động, thể thao, chơi game đua xe…). Lúc này, một chiếc tivi có tần số quét càng cao thì các cảnh này xem sẽ càng mượt, càng “đã mắt”.
Thực tế với hầu hết các dòng tivi màn hình phẳng hiện nay trên thị trường đều có mức tần số quét thực thấp nhất là 50 Hz, những dòng cao hơn thì khoảng 100 Hz, 120 Hz hay 200 Hz.
Thế nhưng, các hãng sản xuất hiếm khi mạnh dạn công bố con số này, mà thường sẽ công bố những con số gây giật mình hơn như là 800 Hz, 1000 Hz… Con số này, thực chất không phải là tần số quét thực, mà là tần số quét ảo (còn gọi là chỉ số hình ảnh), được tạo ra bởi những công nghệ hình ảnh của riêng mỗi hãng.
2Thế nào là chỉ số hình ảnh trên tivi?
Tần số quét của tivi được kiểm soát bởi sự chiếu sáng của đèn nền. Mà thực tế, tấm nền màn hình nào cũng có một mức giới hạn, mà ở đó con số 120 khung hình mỗi giây đã là một con số cao.
Thế nên, thay vì sử dụng tần số quét thật, mỗi hãng tivi đều có một cái tên nghe rất hấp dẫn dành cho tần số quét ảo (chỉ số hình ảnh) của riêng mình như: Samsung gọi là công nghệ Motion Rate, LG gọi là TruMotion, Sony gọi là Motionflow, Panasonic gọi là Image Motion….. Kết quả của các công nghệ này không làm thay đổi tần số quét thực của tivi, nhưng lại thay đổi được “cảm giác” của người dùng khi nhìn.
Ví dụ: Một chiếc tivi có tần số quét thực 100 Hz nhưng chỉ số hình ảnh đến 800, nghĩa là thực tế vẫn chỉ có 100 khung hình lướt qua 1 giây, nhưng khi qua xử lý thì khi mắt người nhìn vô lại có cảm giác như có đến 800 khung hình.
Vậy chỉ số hình ảnh được tạo ra bằng cách nào?
– Phương pháp quét đèn nền: Phương pháp này sẽ chia khung hình thành nhiều khung hình nhỏ rồi lần lượt hiển thị, tạo cảm giác như có nhiều khung hình liên tục. Chẳng hạn như trường hợp bên trên, mỗi giây tivi hiển thị 100 khung hình, mỗi khung hình lại được chia thành 8 khung hình nhỏ, dẫn đến chỉ số hình ảnh của tivi lên đến 800. Tuy bản chất không đổi nhưng nó lại đem đến sự dễ chịu cho người xem và giúp chúng ta cảm nhận tivi mượt hơn hẳn.
– Phương pháp chèn khung hình đen: Phương pháp này sẽ cho chèn xen kẽ giữa các khung hình một khung hình tối hoàn toàn, bằng cách tắt đèn nền. Chẳng hạn, một chiếc tivi có tần số quét thực 60 Hz, nhưng khi được chèn thêm khung hình đen thì số lượng khung hình lên đến 120 Hz, đây chính là tần số quét ảo của tivi đó.
Các nhà sản xuất tường hiếm khi công bố mình đã dùng phương pháp nào để tạo ra những chỉ số hoành tránh lên đến 800 hay 1000. Chỉ biết rằng, nghe những con số này sẽ có vẻ hấp dẫn hơn nhiều so với tần số quét thực chỉ 60 hay 100 Hz.
3Ý nghĩa của tần số quét thực và ảo?
Tóm lại, chỉ số hình ảnh thực chất chỉ là tần số quét ảo của tivi, được tạo ra bởi những phương pháp riêng của mỗi hãng. Tuy ảo, nhưng những con số này không hề vô nghĩa. Nó có công dụng giúp các cảnh chuyển động trên tivi trông mượt mà hơn, giảm thiểu các vệt mờ.
Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng tần số quét ảo cũng có thể dẫn đến việc khung hình trở nên quá mịn, quá mượt mà đến mức gây cảm giác giả tạo. Do đó, nếu bạn là người thích chú trọng vào tính chân thực của hình ảnh, thì khi mua tivi đừng vội mừng nếu chỉ số hình ảnh của một chiếc tivi được quảng bá cao ngất trời.
Siêu thị Điện máy XANH