Hiện nay, có khá nhiều loại máy ảnh, ống kính chống rung. Nhưng xét về cơ bản, chúng được chia làm hai loại chính là chống rung quang học và chống rung kỹ thuật số, cùng tìm hiểu rõ hơn nhé.
1Chống rung là gì? Tại sao máy ảnh lại cần chống rung?
Chống rung là thuật ngữ chỉ chung các công nghệ giúp thiết bị (máy ảnh) hấp thụ, triệt tiêu các rung động nhỏ, tăng cường chất lượng ảnh chụp cũng như quay video ổn định hơn, giảm hiện tượng mờ, nhòe chi tiết.
Từ thế kỷ 19, những phiên bản đầu tiên của chiếc máy ảnh đã xuất hiện, bên cạnh giá thành đắt đỏ, thì hiện tượng ảnh bị mờ, nhòe do tay người chụp bị rung khi bấm máy cũng là vấn đề lớn của ngành máy ảnh bấy giờ (thiết kế cồng kềnh, có chân đứng để giảm rung lắc,…).
Năm 1994, Nikon đánh dấu bước tiến lớn trong nền công nghiệp nhiếp ảnh, khi ra đời ống kính chống rung quang học đầu tiên, giúp triệt tiêu những dao động, rung lắc nhỏ.
Từ đây, một loạt các cải tiến, các công nghệ chống rung mới được phát minh và phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay, nhằm mục tiêu chung là mang đến thiết kế gọn gàng hơn cho máy ảnh, ống kính nhưng vẫn có thể chống rung lắc hiệu quả.
2Chống rung quang học là gì?
Chống rung quang học (Optical Image Stabilization – OIS) là công nghệ chống rung được tích hợp trong ống kính (công nghệ phần cứng).
Chống rung quang học lại bao gồm 2 nhánh là Lens Shift (dịch chuyển thấu kính) và Sensor Shift (dịch chuyển cảm biến).
Lens Shift
Là công nghệ phổ biến trên máy ảnh DSLR. Khi ống kính (máy ảnh) bị dịch chuyển, rung lắc, các thấu kính sẽ dịch chuyển theo hướng ngược lại, nhờ vậy hình ảnh luôn được ổn định.
Bên cạnh khả năng triệt tiêu rung động, công nghệ này cũng cho phép các thấu kính dịch chuyển để điều hướng ánh sáng vào cảm biến, nâng cao chất lượng ảnh chụp.
Nhược điểm của công nghệ này là việc đòi hỏi không gian khá lớn, khiến ống kính loại này thường có kích thước cồng kềnh, kém nhỏ gọn.
Sensor Shift
Khác với Lens Shift, Sensor Shift hoạt động bằng cách di chuyển các cảm biến, chứ không phải các thấu kính.
Công nghệ này được phát triển rộng rãi, được tích hợp luôn trên máy ảnh, thay vì ở ống kính, nhờ vậy giúp các ống kính nhỏ gọn hơn, giá thành cạnh tranh hơn.
Dual OIS
Như cái tên, đây là những hệ thống sử dụng kết hợp cả Lens Shift và Sensor Shift, giúp chống rung một cách hoàn hảo, đem lại chất lượng tuyệt vời nhất.
Công nghệ này chưa được ứng dụng rộng rãi, tuy nhiên hiệu quả mà nó đem lại là rất lớn, hứa hẹn sẽ sớm trở thành xu thế mới của làng nhiếp ảnh.
Công nghệ chống rung quang học OIS cho hiệu quả chống rung vượt trội, đa dạng các điều kiện rung lắc phức tạp, phù hợp với đối tượng người dùng chuyên nghiệp, có yêu cầu cao về chất lượng ảnh chụp và độ ổn định khi quay video (nhiếp ảnh gia, phóng viên,…).
3Chống rung kỹ thuật số là gì?
Chống rung kỹ thuật số (Electronic Image Stabilization – EIS) là công nghệ chống rung dựa trên các thuật toán thông minh được cài đặt trong thiết bị (công nghệ phần mềm), được ứng dụng rộng rãi trên nhiều dòng máy ảnh, đặc biệt là các dòng máy ảnh du lịch, camera hành trình, camera smartphone.
Hệ thống này sử dụng một con quay hồi chuyển, giúp cảm nhận chuyển động, từ đó phần mềm sẽ tính toán để “bù trừ” lại các rung lắc, nâng cao chất lượng ảnh chụp và độ ổn định của video.
Công nghệ EIS rất tiện lợi, vì không cần sử dụng thêm những phần cứng cồng kềnh, mọi việc tính toán đều nhờ vào một con chip xử lý hình ảnh siêu nhỏ. Nhờ vậy những máy ảnh sử dụng công nghệ này có kích thước rất nhỏ gọn.
Tuy nhiên, thuật toán xử lý của EIS vẫn chưa thể cho độ chính xác cao như chống rung quang học OIS, vì vậy chất lượng hình ảnh cũng kém hơn trong một số điều kiện rung lắc phức tạp.
Đối với những bạn trẻ yêu thích du lịch, khám phá, thường xuyên di chuyển thì một chiếc máy ảnh có công nghệ chống rung kỹ thuật số EIS là sự lựa chọn hợp lý, vì nó vẫn đảm bảo chất lượng ảnh chụp, độ ổn định video ở mức khá, trong khi có kích thước vô cùng nhỏ gọn.
Xem thêm:
- Máy ảnh kỹ thuật số, máy ảnh cơ là gì? So sánh máy ảnh cơ và máy ảnh kỹ thuật số.
- Các kích thước cảm biến máy ảnh phổ biến hiện nay.
- Tìm hiểu các chế độ lấy nét trên máy ảnh
Trên là giới thiệu của Điện máy XANH về các loại chống rung trên máy ảnh hiện nay, còn bạn đọc, máy ảnh, ống kính của bạn đang sử dụng công nghệ chống rung nào? Cùng chia sẻ về nó ở phần bình luận nhé!