Android là cái tên mà hầu hết những người dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng hay thậm chí cả những ai dùng một số dòng tivi mới trên thị trường được nghe nói đến. Nhưng có lúc nào đó bạn đặt ra câu hỏi “Android là gì?”,DienmayXANH.com sẽ gửi đến bạn một vài thông tin cơ bản để chúng ta có thể nắm rõ hơn về hệ điều hành di động có thị phần lớn nhất thế giới này.
Lịch sử phát triển và hình thành
Android được xây dựng dựa trên nền tảng Linux và thiết kế dành riêng cho các thiết bị di động có màn hình cảm ứng. Vào năm 2005, “gã khổng lồ” Google đã thâu tóm tổng công ty Android để sở hữu và phát triển hệ điều hành Android cho tới ngày nay.
Ngay sau khi thâu tóm công ty Android, Google cũng không quên chiêu mộ những người đồng sáng lập ở công ty này để chuyển sang làm việc cho Google. Sau đó, Google đã bắt đầu vạch ra hướng đi cũng như nghiên cứu phát triển phần cứng, phần mềm và cả phần dẻo (ở giữa phần mềm là bộ phận liên lạc, trao đổi giữa phần cứng và phần mềm trong hệ thống) cho hệ điều hành này.
Vào tháng 10 năm 2008, chiếc điện thoại chạy Android đầu tiên đã ra đời mang tên T-Mobile G1 hay còn gọi là HTC Dream, phiên bản Android đầu tiên lúc bấy giờ là 1.6 có tên mã là Donut.
Khoảng 4 năm sau là năm 2012, Android đã vươn lên mạnh mẽ và chiếm khoảng 75% thị phần điện thoại thông minh trên thế giới, khi đó có khoảng 500 triệu thiết bị sử dụng Android và là có 1.3 triệu lượt kích hoạt mỗi ngày.
Cho đến ngày nay, Android vẫn đang là hệ điều hành chiếm thị phần lớn nhất và vẫn đang có những bước tiến mạnh mẽ mà gần đây nhất là nền tảng Android 5.0 Lollipop đang được cả thế giới đón nhận.
Android là hệ điều hành mở
Không giống như hầu hết các hệ điều hành khác đều “đóng cửa” không cho phép người dùng can thiệp quá sâu vào hệ thống, Google lại phát triển Android theo hướng ngược lại khi cung cấp mã nguồn và có hẳn giấy phép mã nguồn mở để không ràng buộc các nhà phát triển thiết bị. Và điều đó mang lại một lợi ích không nhỏ khi ngày nay đang dần có rất nhiều lập trình viên đầu tư và phát triển hệ điều hành này theo nhiều hướng khác nhau.
Cụ thể, website http://forum.xda-developers.com/ đang có rất nhiều ROM cũng như tùy chỉnh khác nhau cho rất nhiều thiết bị, tại đây bạn có thể tìm kiếm ROM mà mình thích, tùy chính giao diện theo phong cách của mình, lựa chọn kernsel hệ thống, tùy chỉnh bên trong kernel để tiết kiệm pin v.v… Lưu ý rằng, để can thiệp sâu vào hệ thống và làm những điều trên thì bạn cần Root và mở khóa Bootloader cho thiết bị của mình. Ngôn ngữ lập trình và phát triển của Android là Java.
Các dịch vụ của Google tích hợp trong các thiết bị Android
Song song với việc phát triển và tối ưu phần cứng cũng như phần mềm, Google còn bắt tay vào việc trang bị cũng như hoàn thiện dần những dịch vụ nhằm mang lại cho người dùng những trải nghiệm đầy đủ và hoàn hảo nhất. Cho đến hiện nay, Google đã cung cấp sẵn rất nhiều tiện ích hữu dụng cho người dùng thông qua thiết bị Android như: Google Maps và Google Earth (bản đồ), Google Play Store (kho lưu trữ ứng dụng), Gmail (hòm thư điện tử), Google + (mạng xã hội tương tự như facebook), Google Chrome (trình duyệt web), Google Drive (dịch vụ lưu trữ đám mây), Hangouts (ứng dụng nhắn tin, hỗ trợ nhắn tin miễn phí thông qua địa chỉ Gmail), Google Keep (ghi chú nhanh), Play Newsstand (tin tức), Play Book (ứng dụng đọc sách tải về từ Google Play), Tìm kiếm và ra lệnh bằng giọng nói, Youtube …
Nếu nói về bản đồ, thì Google Maps đang trở nên ưu tú nhất trong tất cả các bản đồ hiện nay, hơn cả bản đồ của Apple trên iOS và HERE Map của Nokia (tuy nhiên HERE Map có thể sử dụng Offline còn Google Maps cần kết nối 3G để sử dụng định vị GPS).
Ngoài ra, Google cũng sở hữu một kho ứng dụng khổng lồ với trên 1.3 triệu ứng dụng. Thông qua kho ứng dụng này, bạn sẽ dễ dàng tìm được ứng dụng mà mình mong muốn. Trước tiên bạn chỉ cần vào CH Play và gõ từ khóa vào thanh tìm kiếm sau đó lựa chọn cài đặt và bắt đầu sử dụng ứng dụng.
Android TV
Vào năm 2010 Google đã giới thiệu trước công chúng sản phẩm đầu tiên của mình mang tên GoogleTV nhưng không được sự đón nhận. Năm 2013, Chromecast cũng nối tiếp thất bại này.
Lần này thì khác, nhân sự kiện Google IO 2014 diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua thì Google đã giới thiệu nền tảng Android TV sử dụng trên SmartTV và sự kiện này đã đánh dấu một bước ngoặc phát triển mạnh mẽ cho những thiết bị giải trí gia đình.
Nền tảng này mang giao diện phẳng khá tương đồng với nền tảng Android 5.0 Lollipop với những khối màu cấu thành cực kỳ thân thiện và quen thuộc nhất là đối với những người đã từng dung qua các thiết bị di động chạy nền tảng Android. Google trang bị nhiều công cụ tìm kiếu thông minh hữu dụng cho người dùng khi sử dụng AndroidTV, ngoài ra Google cũng đang xây dựng và phát triển ứng dụng Play Store dành cho chính những chiếc SmartTV chạy hệ điều hành AndroidTV.
Google còn tập trung phát triển các thiết bị đeo tay như Android Wear để trở thành một thiết bị điều khiển từ xa cho những chiếc Tivi thông minh. Từ chính những thiết bị cầm tay và điều khiển từ xa này, bạn có thể dễ dàng điều khiển tivi theo ý mình, đồng thời, bạn cũng có thể tận hưởng cảm giác tuyệt vời khi chơi game ngay trên chính màn hình rộng lớn thông qua các tay cầm và thiết bị điều khiển từ xa. Việc phát triển dự án này đã có được sự hợp tác của những ông lớn trong ngành công nghệ như Sony, Sharp chuyên phát triển phần cứng cho Tivi, còn Asus và Razer sẽ sản xuất những thiết bị gắn ngoài.
Doanh số đang tăng đều đặn
Và theo các thống kê cho thấy, doanh số về các ứng dụng Android của Google đang ngày càng tăng, điều này chứng tỏ được sự ưa chuộng và tính hữu ích đối với người dùng. Ngoài ra, sự đầu tư và phát triển mạnh mẽ của Google trong lĩnh vực SmartTV cũng sẽ hứa hẹn một con số doanh thu không nhỏ cho hãng này.
Tầm nhìn trong tương lai
Sau quá trình phát triển lâu dài và bền vững, nền tảng Android đang dần được hoàn thiện từng ngày, điển hình nhất là phiên bản Android 5.0 Lollipop mới được giới thiệu cách đây không lâu đã mang đến một làn gió mới cho hệ điều hành Android không chỉ về giao diện mà còn là sự tối ưu về hệ thống cũng như thời lượng pin. Và trong tương lai, nền tảng này sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa khi mà các nhà sản xuất lớn trên thế giới như Samsung, LG, Sony … vẫn đang sử dụng nền tảng này cho hầu hết các thiết bị di động của mình.
DienmayXANH.com