Bình giữ nhiệt giúp giữ độ lạnh/ nóng của các loại thức uống trong thời gian dài, để bạn luôn thưởng thức được hương vị ngon nhất. Tuy bình giữ nhiệt khá bền, nhưng trong quá trình sử dụng bình vẫn có thể gặp nhiều trục trặc. Hãy cùng điểm qua các lỗi thường gặp bên dưới.
1 Cấu tạo của bình giữ nhiệt
Hiểu được cấu tạo của bình giữ nhiệt bạn sẽ dễ dàng hình dung được các lỗi của bình xuất phát từ đâu và nên giải quyết như thế nào.
Nắp bình thường có 2 loại là nắp ngoài và nắp trong. Nắp ngoài thường được làm bằng nhựa, inox hoặc hợp kim. Nắp trong thường được làm bằng nhựa, có gioăng silicon giúp miết chặt phần cổ bình, ngăn nước bên trong chảy ra ngoài khi di chuyển và có tác dụng giữ nhiệt.
Vỏ bình thường được làm bằng inox, hợp kim hoặc nhựa. Các sản phẩm bằng inox và hợp kim sẽ có độ bền cao hơn so với nhựa.
Ruột bình là lớp trong cùng và là phần tiếp xúc trực tiếp với nước, trà, cà phê, đá,… vì vậy bạn cần chọn lựa kỹ càng để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng. Ruột bình thường được làm bằng inox 304 để đảm bảo an toàn và giữ nhiệt tốt.
Lớp chân không là lớp ở giữa ruột bình và vỏ bình, có tác dụng cách nhiệt (ngăn cách môi trường nhiệt bên trong và bên ngoài bình) giữ cho nhiệt không bị thất thoát, từ đó giữ được độ nóng/ lạnh của nước.
2 Các lỗi thường gặp
1/ Bình bị đổ nước khi để nghiêng
Mặc dù đã đậy nắp kín nhưng bình giữ nhiệt của bạn vẫn bị đổ nước khi để nghiêng. Đó là dấu hiệu cho thấy nắp và roncao su của bình có thể đã bị giãn dẫn đến tình trạng không khít với thành bình làm nước tràn ra ngoài khi để nghiêng.
Để khắc phục vấn đề này bạn có 2 cách:
+ Kiểm tra ron cao su vì có thể bạn vặn nắp không đúng cách nên ron bị lệch.
+ Ra tiệm sửa đồ gia dụng (thường thấy ở các chợ) để thay ron cao su cho bình.
2/ Bình không giữ được nhiệt
Nếu bình của bạn không giữ được độ nóng/ lạnh đúng như các thông số mà nhà sản xuất đã cung cấp, thì có thể ron cao su của bình bị lỏng, ruột bình, lớp chân không hoặc vỏ bình đang bị hư hại.
Để khắc phục vấn đề này bạn có thể:
+ Kiểm tra lại phần nắp bình xem bạn đã vặn kín, chặt chưa. Vì nếu chưa vặn kỹ thì bình có thể thất thoát nhiệt rất nhanh.
+ Đi bảo hành bình (nếu còn hạn bảo hành và lỗi thuộc về nhà sản xuất, tức là bạn không làm rơi khiến bình bị bóp méo hay nứt, vỡ…)
3/ Bình bị ám mùi dù đã vệ sinh
Bình giữ nhiệt bị ám mùi có 2 loại: mùi bình mới và mùi thức uống đã đựng trong bình.
+ Mùi bình mới: Nếu bạn sử dụng được 1 tuần mà bình vẫn ám mùi kim loại hoặc sau một thời gian dài bình tự động bị ám mùi kim loại như lúc mới mua, thì bình đang bị hư lớp vỏ hoặc ruột, có thể là bình đang bị gỉ sét ở bên trong mà bạn không nhìn thấy.
Để khắc phục vấn đề này bạn có thể: Kiểm tra ruột bình xem có tình trạng gỉ sét không, sau đó vệ sinh bằng bàn chải đánh răng và xà phòng (nhớ rửa lại bình 3 đến 5 lần bằng nước ấm để khử mùi xà phòng).
+ Mùi đồ uống (trà, cà phê, nước ép,…): Nếu bạn đựng thức uống trong bình trên 1 ngày hoặc không vệ sinh liền ngay sau khi uống xong, bình có thể bị ám mùi và khó vệ sinh sạch sẽ như trước (đặc biệt là ở phần ron cao su và các kẽ hở của nắp bình).
Để khắc phục vấn đề này bạn có thể: Dùng chanh, giấm, baking soda hoặc xà phòng để khử các vết bẩn và mùi thức ăn ám trong bình giữ nhiệt.
3 Lưu ý khi sử dụng bình giữ nhiệt đúng cách
Sử dụng bình giữ nhiệt đúng cách giúp tăng tuổi thọ bình, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dùng khi sử dụng sản phẩm.
– Khi mới mua về bạn hãy rửa sạch bình (bao gồm thân mình và nắp) bằng nước nóng, nước rửa chén (lưu ý nên rửa lại từ 3 đến 5 lần bằng nước ấm để khử mùi), baking soda, sau đó để khô.
– Trước khi dùng, bạn nên tráng bình bằng nước nóng hoặc nước lạnh trong khoảng 2 phút, để bình quen với nhiệt độ nhằm mang lại hiệu quả giữ nhiệt tốt nhất.
– Không nên đổ quá đầy hoặc quá ít nước vào bình (mực nước lý tưởng là thấp hơn cổ bình 1cm). Nếu quá đầy, nước sẽ bắn ra ngoài khi vặn nắp dẫn đến bị bỏng, nếu nước quá ít, hiệu quả giữ nhiệt sẽ giảm xuống.
– Sau mỗi lần vệ sinh xong bạn nên úp ngược bình lại để chống gỉ sét do nước tồn đọng bên trong, và giúp bình mau khô hơn.
– Không nên đựng các loại nước có tính axit cao như: chanh, cam, xoài, cóc,… liên tục trong khoảng thời gian dài ( 2,3 ngày).
– Trong lúc đang sử dụng, nếu bạn muốn chuyển từ giữ nóng sang giữ lạnh hoặc ngược lại thì:
- Trước tiên, hãy cho nước ở nhiệt độ khoảng 25-35°C vào bình và đợi 2-5 phút rồi đổ ra.
- Nếu bạn định chuyển sang giữ lạnh, hãy tráng bình bằng nước lạnh trong khoảng 2 phút để làm lạnh.
- Nếu bạn định chuyển sang giữ nóng, hãy tráng bình bằng nước nóng trong khoảng 2 phút để làm nóng.
Như vậy, bạn hoàn toàn có thể yên tâm về hiệu quả giữ nóng/ lạnh của bình.
Xem thêm:
- Vì sao nên mua bình giữ nhiệt?
- Cách dùng bình giữ nhiệt an toàn
- Khi nào nên thay mới bình giữ nhiệt
Trên đây là 3 lỗi thường gặp của bình giữ nhiệt và những lưu ý về cách sử dụng, mong rằng qua bài viết này bạn sẽ hiểu hơn về chiếc bình giữ nhiệt của mình để tăng tuổi thọ bình và đảm bảo an toàn sức khoẻ khi sử dụng.
Siêu thị Điện máy XANH