Nước mát mủ trôm là món uống quen thuộc với nhiều người vì nó có tác dụng thanh nhiệt và tốt cho tiêu hóa, nhưng không phải ai cũng biết cách nấu và sử dụng đúng cách. Hãy cùng vào bếp với Điện máy XANH để biết cách sử dụng mủ trôm sao cho đúng và an toàn nhé!
Mủ trôm là gì?
Mủ trôm là mủ/nhựa của cây trôm. Mủ trôm được trích từ thân cây cho chảy ra gần giống như cách lấy mủ cao su. Cây trôm mọc hoang và được trồng nhiều ở các tỉnh Nam Trung Bộ nước ta.
Sau khi lấy mủ, mủ trôm được phơi khô, mủ trôm khô có màu vàng nâu nhạt trong hoặc màu trắng trong (loại trắng trong là đã được xử lý làm sạch), có thể ở dạng que dài hoặc viên nhỏ trông như viên đường phèn.
Nước mủ trôm là một loại đồ uống quen thuộc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, ngoài ra nó còn giúp điều hòa đường huyết, ổn định huyết áp, và đặc biệt là trị táo bón.
Mủ trôm có thể nở từ 8 đến 10 lần trong nước. Do vậy, trước khi pha chế, cần ngâm mủ trôm trong nước lọc cho mủ trôm trương nở hết cỡ.
Về liều lượng, cứ 0,5 gr – 1 gr mủ trôm bạn có thể ngâm trong 300ml nước. Mủ trôm cục, thanh thì ngâm lâu hơn (có thể ngâm 8-24 tiếng tùy liều lượng ít nhiều và kích thước cục mủ trôm), còn mủ trôm hạt cám (đã được xay nhuyễn) thì chỉ cần ngâm khoảng 2 – 3 tiếng là có thể dùng được.
Cách nấu nước mát mủ trôm đúng cách
Nguyên liệu và dụng cụ:
- 1 viên mủ trôm.
- 1 lít nước lạnh.
- 3 – 5 viên đường phèn.
- Vài giọt dầu chuối.
- Bình nước, chén bát, bếp, nồi,…
Cách làm:
Bước 1: Ngâm mủ trôm trong tô nước ấm từ 12 tiếng – 20 tiếng (tùy theo viên lớn hay nhỏ). Sau khi mủ trôm trương nở hết ta sẽ thấy lẫn trong nước có chất sệt trong như thạch.
Bước 2: Cho đường phèn vào nồi nước và đun trên bếp đến khi đường tan hết thì được. Để nước đường phèn thật nguội.
Nước đường phèn đun và để nguội, không dùng nước nóng để pha mủ trôm hoặc cho mủ trôm vào nấu chung với nước đường nhé, sẽ làm mất tác dụng của mủ trôm. Bạn có thể đun sẵn nước đường phèn đặc, để nguội, sau đó sẽ pha thêm nước lọc vào cho độ ngọt vừa khẩu vị là được.
Bước 3: Chế nước đường và vài giọt dầu chuối vào tô mủ trôm, sang nước mát vào bình và cất trong tủ lạnh hoặc bỏ đá vào nếu muốn uống ngay.
Bước 4: Bạn có thể ngâm thêm hột é song song với ngâm mủ trôm. Khi hột é nở hết thì có thể pha chung với hạt mủ trôm để cho thức uống ngon và hấp dẫn hơn.
Chú ý: Sáng ngâm thì chiều uống, tối ngâm thì sáng hôm sau uống. Nếu thấy mủ trôm nở quá đặc có thể thêm nước vào sao cho vừa uống sẽ ngon hơn. Nên tránh ngâm ít nước làm mủ trôm chưa nở hết mà sử dụng sẽ gây tắc ruột do mủ trôm trương nở trong bụng.
Không sử dụng mủ trôm đối với các trường hợp
- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
- Người có khối u trong ruột.
- Người đang uống thuốc chữa bệnh, vì mủ trôm có độ nhớt cao sẽ làm tăng nồng độ hấp thu của thuốc vào máu khi uống mủ trôm cùng lúc với một loại thuốc chữa bệnh nào đó. Sự tăng hấp thu này có thể gây ngộ độc thuốc. Để ngăn ngừa, tốt nhất nên uống mủ trôm ít nhất một giờ sau khi uống thuốc.
- Người hư hàn, hay lạnh bụng không nên dùng nhiều.
Xem thêm:
- Cách nấu sâm bổ lượng giải nhiệt cực tốt cho mùa hè.
- Hướng dẫn chi tiết cách nấu sâm bí đao an toàn giải nhiệt dễ làm.
Sau bài viết này, Điện máy XANH tin rằng bạn đã biết rõ công dụng cũng như cách pha chế mủ trôm sao cho an toàn rồi nhé! Bây giờ hãy làm ngay cho cả nhà thưởng thức món nước mát này đi nào!