Màn hình AMOLED là công nghệ màn hình tiên tiến thường thấy trên các dòng điện thoại, máy tính bảng của Samsung. Với những ưu điểm vượt trội về mặt hiển thị, công nghệ màn hình này ngày càng được trọng dụng nhiều trên các thiết bị di động mới, đặc biệt là những model yêu cầu về độ mỏng.
Màn hình AMOLED là gì?
AMOLED là chữ viết tắt của Active Matrix Organic Light Emitting Diode có nghĩa là công nghệ màn hình phát quang hữu cơ ma trận động. Samsung là nhà sản xuất và cũng là công ty sáng tạo ra công nghệ màn hình này.
Màn hình AMOLED được cấu thành từ những điểm ảnh sắp xếp theo cấu trúc ma trận Pentile (tên gọi mà Samsung đặt cho kiểu sắp xếp này), các điểm ảnh được điều khiển bởi dòng điện cho phép chúng tự phát sáng nhờ đó sẽ tiết kiệm pin hơn khi màn hình hoạt động. Mỗi điểm ảnh của màn hình AMOLED chỉ có thể hiển thị một màu xanh lá và 1 trong 2 màu đỏ hoặc xanh dương, thứ tự sắp xếp của chúng là Đỏ – xanh lá – xanh dương – xanh lá, khác với thứ tự chuẩn của màn hình LCD là Đỏ – xanh dương – xanh lá, chính vì vậy chúng ta hay được nghe những nhận định về màn hình AMOLED là bị ám màu xanh nhiều, một phần cũng do cách sắp xếp các ma trận điểm ảnh này.
Gần đây, Samsung đã phát triển một cách sắp xếp điểm ảnh mới lần đầu được áp dụng trên Galaxy S5 đó là ma trận điểm ảnh kiểu kim cương theo như hình dưới đây. Theo như Samsung công bố, họ đã thu nhỏ điểm ảnh xanh lá và xếp xen kẽ giữa những điểm ảnh đỏ và xanh dương một góc 45 độ, cách làm này vừa làm giảm ảnh hiện tượng ám màu của màn hình AMOLED, đồng thời giữ cho mỗi điểm ảnh có thể hiện thị đủ 3 màu cơ bản như màn hình LCD truyền thống.
Ưu và nhược điểm của công nghệ màn hình AMOLED
Ưu điểm:
+ Màu sắc hiển thị rực rỡ, nịnh mắt, và đó cũng là điều khiến rất nhiều người thích màn hình AMOLED của Samsung.
+ Độ sáng và độ tương phản rất cao, màu đen được thể hiện rất đậm và sâu.
+ Màn hình AMOLED tiết kiệm hơn so với các công nghệ màn hình khác. Vì khi thể hiện màu đen, màn hình này chỉ việc tắt đi những điểm ảnh tại đó vì vậy, khi sử dụng ở những tông màu xám, đen thì AMOLED cho thời gian sử dụng vượt trội (điều này có thể thấy trên chế độ “Siêu tiết kiệm pin” trên các loại điện thoại cao cấp của Samsung).
+ Nhờ cấu tạo đơn giản hơn nên màn hình AMOLED có kích thước mỏng gọn hơn so với các loại màn hình khác. Công nghệ màn hình này thích hợp để tạo nên những thiết bị di động siêu mỏng.
+ Dải màu trên màn hình này cũng rất rộng kết hợp với nhiều tinh chỉnh về màu sắc mà Samsung cung cấp sẵn trên thiết bị thì bạn có thể dễ dàng lựa chọn màu sắc rực rỡ hoặc nhẹ dịu tùy vào nhu cầu và sở thích riêng.
+ So với công nghệ màn hình IPS LCD được cấu thành từ các tinh thể lỏng thì màn hình AMOLED có khả năng chịu đựng lực tác động tốt hơn.
Nhược điểm:
+ Nếu so về độ sáng tối đa thì màn hình IPS LCD đang dẫn đầu với những công nghệ màn hình có thể đẩy độ sáng cao lên đến hơn 800 nits. Chính vì thế, về khả năng hiển thị ngoài trời, màn hình AMOLED cũng có những hạn chế nhất định.
Các dòng sản phẩm gắn liền với màn hình AMOLED
Nói đến công nghệ AMOLED thì nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Samsung vì hãng này là nhà sản xuất lớn nhất phát triển loại màn hình này. Theo dự kiến, thị phần của màn hình AMOLED trong năm 2015 sẽ vào khoảng 37.5%.
Phần lớn các dòng điện thoại, máy tính bảng của Samsung đều sử dụng màn hình AMOLED như: Samsung Galaxy S2, S3, S4, S5, Samsung Galaxy Note 3, Note 4, Samsung Galaxy Tab S…
Màn hình AMOLED chủ yếu được gặp trên các dòng điện thoại tầm trung và cao cấp như: Lumia 930, Lumia 730, Gionee Elife S5.5, Oppo R5…
Các dòng máy tính bảng cao cấp đang sử dụng màn hình AMOLED như: Samsung Galaxy Tab S 8.4, S 10.5…
Xem thêm
Màn hình IPS là gì?
DienmayXANH.com