Máy ảnh DSLR là loại máy ảnh thường dùng để chụp ảnh chuyên nghiệp. Vậy máy ảnh DSLR là gì? Làm sao để nhận biết máy ảnh DSLR? Điện máy XANH sẽ trả lời các thắc mắc về máy ảnh DSLR trong bài viết dưới đây.
1. Máy ảnh DSLR là gì?
Máy ảnh DSLR (Digital Single Lens Reflex) là loại máy ảnh phản xạ ống kính kỹ thuật số. Đây là loại máy ảnh sử dụng hệ thống gương bằng lăng kính (trong máy ảnh DSLR cao cấp) hoặc một loạt gương bổ sung (thường là ở các mẫu máy cấp thấp hơn) để phản chiếu ánh sáng từ ống kính máy ảnh đến kính ngắm.
Hiểu một cách đơn giản máy ảnh DSLR sử dụng hệ thống gương chiếu trực tiếp ánh sáng vào ống kính và khung ngắm giúp giữ lại những hình ảnh ở phần phía sau của camera để bạn có thể thấy và chụp ảnh.
2. Cấu tạo của máy ảnh DSLR
Cấu tạo chính của máy ảnh DSLR gồm các phần sau:
1. Hệ thấu kính (ống kính).
2. Gương phản xạ (gương lật).
3. Cửa sập mặt phẳng lấy nét (màn trập).
4. Sensor (cảm biến).
5. Màn hình tập trung.
6. Thấu kính hội tụ.
7. Hệ thống gương ngũ giác.
8. Ống ngắm trực tiếp.
3. Cơ chế hoạt động của máy ảnh DSLR
Khi bạn nhìn vào lỗ ngắm (số 8) hình ảnh bạn thấy chính là hình ảnh trên ảnh sau khi bạn chụp, không có độ trễ như các loại máy ảnh khác vì cảm biến phải chuyển nội dung hiển thị sang màn hình kỹ thuật số riêng biệt trên máy ảnh.
Hình ảnh mà bạn sẽ chụp sẽ đi vào máy ảnh thông qua dạng ánh sáng và đi tới vị trí gương lật (số 2) rồi tụ lại trên buồng máy ảnh sau đó đi đến hệ thống gương ngũ giác (số 7). Hệ thống này chuyển đổi hướng đi của ánh sáng để chúng đi xuyên qua bộ phận khung ngắm (số 8).
Khi bạn chụp một bức ảnh gương lật sẽ đưa lên trên để cho ánh sáng đi xuyên qua nó. Sau đó màn trập (số 3) sẽ mở ra, ánh sáng đi đến vị trí số 4 (cảm biến).
Màn trập sẽ tiếp tục mở cho đến khi cảm biến ghi lại được đầy đủ hình ảnh rồi đóng lại và gương lật trở về vị trí ban đầu để tiếp tục đưa ánh sáng lên phần khung ngắm.
Sau đó trong máy ảnh xảy ra một loạt quá trình phức tạp, bộ xử lí của máy ảnh lấy thông tin từ cảm biến sau đó chuyển sang định dạng phù hợp rồi ghi lại trên thẻ nhớ. Cả quá trình này xảy ra trong một thời gian rất ngắn, một số máy ảnh DSLR chuyên nghiệp có thể thực hiện quá trình này 11 lần/giây.
4. Ưu điểm của máy ảnh DSLR
1. Cảm biến
Máy ảnh DSLR thường có kích thước lớn và cồng kềnh nhưng nhờ đó chất lượng hình ảnh sẽ tốt hơn. Máy ảnh DSLR thường được sử dụng hai loại cảm biến chính: Full-frame và APS-C (thường được gọi là crop-frame).
Máy ảnh lớn nên kích thước cảm biến cũng lớn hơn, những cảm biến này làm việc hiệu quả nhất là trong trường hợp thiếu sáng. Cảm biến càng lớn, nhận được nhiều ánh sáng thì hình ảnh của bạn sẽ càng rõ nét hơn.
Bên cạnh đó máy ảnh DSLR có khả năng tự động lấy nét nhanh, liên tục, hiệu quả nên có thể chụp bất cứ loại chuyển động nào. Chất lượng của ống kính cũng ảnh hưởng đến mức độ tự động lấy nét, các ống kính cũ lấy nét chậm hơn, nhưng nói chung, một chiếc DSLR sẽ lấy nét nhanh hơn hầu hết các loại máy ảnh khác.
2. Có thể thay đổi ống kính
Máy ảnh DSLR có thể dễ dàng thay đổi ống kính để đáp ứng nhiều nhu cầu chụp ảnh khác nhau. Có rất nhiều loại ống kính từ các loại chụp góc rộng cho cảnh quan, loại chuyên chụp chuyển động như ảnh thể thao hoặc động vật hoang dã, đến các loại ống kính có khẩu độ lớn để chụp chân dung.
Mỗi máy ảnh DSLR đều có các loại ống kính đi kèm từ nhà sản xuất, tuy nhiên hiện nay dễ dàng hơn cho các nhiếp ảnh gia khi có một số công ty như Sigma, Tamron,… sản xuất ống kính dành cho nhiều loại máy ảnh DSLR.
Bạn cũng có thể gắn ống kính từ máy quay phim cũ qua máy ảnh DSLR với sự trợ giúp của bộ điều hợp như Fotodiox.
3. Phụ kiện của máy ảnh DSLR rất phong phú
Máy ảnh DSLR có rất nhiều phụ kiện đi kèm để bạn có thể chụp ảnh mọi lúc mọi nơi dù trong phòng studio hay trên rừng, dưới biển.
Hầu hết máy ảnh DSLR đều có một phần gọi là “hot shoe”, là một miếng kim loại nằm ở phần đầu của máy ảnh để kết nối những thiết bị hỗ trợ khác, phổ biến nhất là đèn flash rời speedlight. Tuy nhiên rất nhiều thiết bị khác cũng có thể gắn được vào “hot shoe” như micro phone đến bộ kích hoạt không dây.
Máy ảnh DSLR cũng có một số cổng để gắn thiết bị phụ trợ, hệ thống kích hoạt, màn hình ngoài, micro, đèn flash có dây và thậm chí cả mô-đun GPS. Tính linh hoạt này giúp nhiếp ảnh gia có thể tùy chỉnh máy ảnh để phù hợp nhu cầu, dễ dàng và tiện lợi hơn trong quá trình chụp ảnh.
Xem thêm
- 8 kiểu chụp ảnh nhóm so deep đăng Facebook, Instagram chỉ vài giây kiếm nhiều like
- 20 cách tạo dáng chụp ảnh với cúc họa mi thần thánh chất lừ
Hy vọng với bài viết trên bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc chọn mua một chiếc máy ảnh để chụp hình chuyên nghiệp nhé!