Thời tiết nóng bức cũng có thể dẫn đến đột quỵ gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đột quỵ này và những điều cần nên lưu ý để phòng chóng đột quỵ là gì? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những điều trên.
1Đột quỵ là gì? Các biểu hiện của đột quỵ
Bệnh đột quỵ (tai biến mạch máu não) xảy ra khi một phần não bộ bị tổn thương do tắc nghẽn mạch máu đi nuôi não gây đột quỵ nhồi máu não hoặc vỡ mạch máu não gây đột quỵ xuất huyết não.
Khi đó, não bộ không được cung cấp đủ oxi để hoạt động nên một vùng não sẽ bị ngưng lại khiến cơ thể không điều khiển các cơ quan được như bình thường. Điều này dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như tê liệt nửa người, tay, chân, rối loạn ngôn ngữ, mất ý thức và có thể dẫn đến hôn mê,…
Nếu người bị đột quỵ không được cấp cứu đúng cách thì vùng não sẽ chết và dẫn đến nạn nhân tử vong.
Các biểu hiện của đột quỵ:
– Đau đầu đột ngột.
– Mất khả năng thăng bằng; đi đứng khó khăn.
– Bất tỉnh hoặc hôn mê.
– Hoa mắt, chóng mặt.
– Tầm nhìn bị tối hoặc mờ.
– Tê và yếu đi ở cánh tay, mặt hoặc chân ở một bên cơ thể.
– Gặp khó khăn trong việc nói và hiểu.
2Các nguyên nhân dẫn đến đôt quỵ khi trời nắng
Nắng nóng khiến cơ thể tiết nhiều mồ hôi, gây mất nước với cơ thể dẫn đến khối lượng máu giảm đột ngột, gây thiếu hụt máu nuôi não và dẫn đến tình trạng đột quỵ não rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, nắng nóng làm tăng thân nhiệt, kích thích sự tăng huyết áp. Điều này ảnh hưởng đến các hoạt động điều phối của dây thần kinh trung ương, làm rối loạn hô hấp và cả tuần hoàn máu trong cơ thể. Hậu quả là lượng máu trong cơ thể suy giảm dẫn đến tình trạng đột quỵ.
Nắng nóng còn gây rối loạn hoạt động của hệ tim mạch. Tim hoạt động kém, làm suy giảm hiệu suất tống máu kèm theo sự giãn mạch. Làm cho thiếu máu nuôi não và nhiều cơ quan khác cũng dẫn đến đột quỵ.
Khi thời tiết nắng gắt, độ nhớt của máu sẽ tăng và hồng cầu bị cô đặc lại, các cục máu đông hình thành trong cơ thể. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhồi máu não khi tình trạng hồng cầu bị cô đặc và giảm oxy lên não.
Trời càng nắng nóng, tình trạng đột quỵ càng dễ xảy ra, đặc biệt rất nguy hiểm với những người cao tuổi khi mức nhiệt độ ngoài trời ở 39-40 độ C.
3Các điều nên làm để tránh đột quỵ trong trời nắng nóng
Điều tiên, chúng ta cần hạn chế ra đường trong các khung giờ từ 12 – 16 giờ khi nhiệt độ trong ngày ở mức cao nhất. Trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài cần trang bị đầy đủ đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang,… chống nóng.
Bên cạnh đó, việc uống nhiều nước rất tốt cho cơ thể trong những ngày nắng nóng, nên uống từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày. Đặc biệt với những người lao động ngoài trời, các loại nước uống như nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol,… thật sự cần thiết và nên bổ sung hằng ngày.
Ngoài ra, việc điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh cũng cần được lưu ý, việc chỉnh nhiệt độ điều hòa quá thấp (dưới 25 độ C) có thể dẫn đến tình trạng sốc nhiệt khi ra ngoài trời.
Ăn uống các thực phẩm vệ sinh an toàn, tăng cường dinh dưỡng kết hợp ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh để vượt qua những ngày nắng nóng.
Xem thêm:
- 5 điều bạn tuyệt đối đừng quên khi ra đường trong thời tiết nắng nóng
- Cách xử trí khi bị say nắng, đau đầu trong trời nắng nóng
- 7 cách giúp phòng ngủ mát mẻ ngày nắng nóng
Trên đây là những điều cần lưu ý để phòng chống đột quỵ trong thời tiết nóng bức. Mong rằng bài viết cung cấp những thông tin hữu ích để bạn và gia đình đảm bảo sức khỏe trong những ngày hè sắp tới!